>> P.V: Xin chào ông! Là doanh nhân thành đạt, cũng là người đã vượt qua bao thăng trầm để theo đuổi mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, theo ông, khí chất con người Hà Tĩnh đóng vai trò như thế nào trong sự nghiệp của mình?

>> Doanh nhân Nguyễn Hồng Lam: Tôi sinh ra trong gia đình nghèo tại thôn Ngụ Quế, xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên). Cha dạy học xa, tôi là anh cả trong gia đình 10 anh em nên dù mùa hè nắng như đổ lửa hay mùa đông lạnh cắt da, cắt thịt vẫn cùng mẹ lam lũ trên cánh đồng và dòng sông quê hương. Những năm tháng ấy đã rèn giũa cho tôi đức tính chịu thương, chịu khó và nỗ lực trong mọi hoàn cảnh. Thứ nữa, cha tôi là một nhà nho, nhà giáo, ngay từ thuở lọt lòng, ông đã đặt tên tôi là Nguyễn Hồng Lam, gắn với biểu tượng núi Hồng, sông Lam, cũng là mong cho tôi có thể làm được việc lớn. Với cha, dù tôi theo nghề dạy học hay nghiệp kinh doanh, ông luôn căn dặn một điều: sống tử tế, lương thiện và trọng danh dự. Tất cả như vận vào tính cách của tôi, chút gì đó can trường, gai ngạnh nhưng luôn trọng tín và trọng nghĩa.

Về sau, khi tôi khởi nghiệp ở đất Quảng Bình rồi thành công trên đất Huế thì khí chất con người Hà Tĩnh cũng luôn “chảy” trong tôi, giúp tôi bền bỉ vượt qua nhiều “sóng gió”, nhạy bén với sự thay đổi của thị trường để trở thành một trong những người tiên phong du nhập công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ vào Việt Nam và theo đuổi sản xuất nông nghiệp sạch. Hơn 30 năm xây dựng (từ năm 2001), Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm luôn đặt phương châm “sản xuất, kinh doanh tử tế”, sản xuất phân bón và nông sản hữu cơ, đảm bảo phát triển bền vững, tăng trưởng xanh. Chúng tôi sử dụng công nghệ tiên tiến gắn với xây dựng hệ thống chăn nuôi an toàn sinh học, tạo ra chuỗi giá trị khép kín về sản xuất, kinh doanh nông sản hữu cơ. Đến nay, doanh nghiệp đã phát triển lớn mạnh với 12 đơn vị thành viên, trong đó, 7 nhà máy sản xuất phân bón trải đều trên khắp cả nước và 1 công ty chuyên nhập khẩu, phân phối sản phẩm phân bón Quế Lâm tại thị trường Campuchia; doanh thu bình quân đạt 3.000 tỷ đồng/năm. Trên lĩnh vực sản xuất, chúng tôi liên kết với hàng nghìn hộ chăn nuôi, cung cấp quy trình, thu mua đầu ra cho bà con nông dân để phát triển chuỗi giá trị nông sản hữu cơ bền vững.

Doanh nhân Nguyễn Hồng Lam trò chuyện cùng PV Báo Hà Tĩnh.

>> P.V: Ông có thể chia sẻ hành trình truyền cảm hứng, kiến thức và cùng người nông dân quê hương xây dựng các mô hình nông nghiệp sạch?

>> Doanh nhân Nguyễn Hồng Lam: Nhiều năm qua, Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm đã liên kết với một số địa phương trong cả nước xây dựng các mô hình sản xuất lúa hữu cơ, cung ứng các loại phân bón hữu cơ sinh học… Đến nay, Quế Lâm đã hội tụ đủ các điều kiện, cùng với sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh, hệ thống chính trị và người nông dân ở nhiều địa phương, chúng tôi trở về với mong muốn xây dựng chuỗi sản xuất hữu cơ bài bản, hiệu quả nhất trên đất Hà Tĩnh. Tôi luôn muốn trả ơn nơi mình đã sinh ra, cùng chia sẻ kinh nghiệm với bà con nông dân làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn để trả nghĩa cho đất, trả lại cho môi trường những gì con người đã “vay mượn”. Năm nay, tôi đã ở vào tuổi “thất thập”, trở về quê hương cũng chính là người con về với “quê cha đất tổ”.

Đầu năm 2022, Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm đã phối hợp với các cấp chính quyền địa phương triển khai một số mô hình nông nghiệp hữu cơ như: sản xuất lúa hữu cơ DT39 (diện tích 16,6 ha tại Vũ Quang, Hương Sơn, huyện Kỳ Anh); chăn nuôi lợn hữu cơ an toàn sinh học (Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Hương Sơn, huyện Kỳ Anh, Can Lộc) với tổng số 1.008 con; trồng cam hữu cơ (Can Lộc, Vũ Quang, Hương Sơn); sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý chuồng trại nông hộ để sản xuất phân hữu cơ vi sinh.

Hiện nay, 3 huyện: Vũ Quang, Kỳ Anh và Cẩm Xuyên đã có cửa hàng tiêu thụ thịt lợn hữu cơ và nông sản hữu cơ trên địa bàn theo mô hình chuỗi giá trị tiêu thụ nông sản mà doanh nghiệp xây dựng. Bước đầu, các mô hình thử nghiệm đã cho kết quả tích cực, nhiều bà con nông dân tin tưởng và có những chuyển biến trong nhận thức về làm nông nghiệp sạch, giảm dần việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học… Dịp tết Nguyên đán, chuỗi chăn nuôi lợn hữu cơ cung cấp cho thị trường hơn 600 con.

Về lâu dài, tôi mong muốn sẽ xây dựng được nhiều chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn khép kín của Quế Lâm hơn nữa tại Hà Tĩnh. Điều này nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, an toàn sinh học, tăng thu nhập cho bà con nông dân; từng bước loại bỏ dần nông nghiệp vô cơ để góp phần bảo vệ môi trường và hệ sinh thái sinh học. Quan trọng chính là cùng đồng hành với Hà Tĩnh cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Chính phủ về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn; thực hiện thắng lợi mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, kinh tế nông nghiệp như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Trong năm 2023, Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm tiếp tục phối hợp với các địa phương mở rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả và triển khai các mô hình sản xuất hữu cơ mới như: trồng thanh long, sản xuất chè móc câu, trồng dưa hấu, ổi… Đặc biệt, hỗ trợ giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ; phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước giúp nông dân và hợp tác xã lập hồ sơ xin chứng nhận hữu cơ cho sản phẩm, từng bước nâng tầm giá trị nông sản Hà Tĩnh trên thị trường.

Huyện Can Lộc và Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: Thúy Ngọc

>> P.V: Để xây dựng thành công chuỗi sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Hà Tĩnh, ông mong muốn điều gì?

>> Doanh nhân Nguyễn Hồng Lam: Thời gian qua, lãnh đạo Hà Tĩnh và các địa phương đã quan tâm sâu sát đến việc phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Tôi nghĩ, yếu tố tiên quyết và quan trọng này cần tiếp tục được thúc đẩy, tạo động lực cho toàn hệ thống chính trị và niềm tin vững vàng cho người nông dân mạnh dạn thay đổi. Tôi mong chính quyền các cấp tiếp tục ủng hộ và đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người sản xuất, người tiêu dùng; vận động bà con giảm dần việc sử dụng thuốc trừ cỏ, sản phẩm hóa học; tăng dần việc sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh và chế phẩm sinh học vào sản xuất, xử lý rác thải, phụ phẩm nông nghiệp…

Mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ liên kết với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm và các sản phẩm chế biến sâu từ thịt lợn hữu cơ của ông Trương Xuân Hà xã Cẩm Minh, huyện Cẩm Xuyên (ảnh 1,2). Thịt lợn hữu cơ của Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm hiện có mặt ở 7 cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn Hà Tĩnh (ảnh 3). Ảnh: Phan Trâm

Bên cạnh đó, tỉnh và các địa phương cần quan tâm và dành nguồn lực để đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ thuật giúp bà con nông dân tiếp cận tốt hơn với các công nghệ tiên tiến, kỹ thuật cao; đào tạo marketing, kinh tế nông nghiệp… Cuối cùng, làm nông nghiệp hữu cơ là hành trình dài, cùng với các chính sách từ Trung ương, cần có bộ cơ chế, chính sách đặc thù, vừa hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, vừa thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư, tạo sự chuyển biến rõ nét về nông nghiệp hữu cơ.

Doanh nhân Nguyễn Hồng Lam trao đổi kinh nghiệm với các HTX, chủ mô hình thực hiện thí điểm sản xuất nông nghiệp hữu cơ liên kết với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm.

Chúng tôi cam kết sẽ trực tiếp hỗ trợ, đào tạo kỹ thuật cho bà con nông dân, cán bộ địa phương và bao tiêu đầu ra các sản phẩm. Cùng đó, chia sẻ kinh nghiệm, phương thức kinh doanh, hướng dẫn kết nối thị trường hiệu quả để có thu nhập cao hơn, sản xuất bền vững hơn.

>> P.V: Xin cảm ơn ông! Năm mới, xin chúc ông và gia đình nhiều sức khỏe, an khang, thịnh vượng. Chúc Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm không ngừng phát triển và hành trình nông nghiệp hữu cơ tiếp tục gặt hái những thành quả mới!

(Theo baohatinh.vn)