Ở tuổi 75, mỗi sáng thức dậy, ông Nguyễn Hồng Lam đều tự hỏi, hành trình tiếp theo với bà con nông dân sẽ như thế nào.

Quen biết ông từ lâu, cũng đã viết khá nhiều về hành trình hơn 30 năm ông miệt mài, nhẫn nại với nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, vậy mà lần nào gặp gỡ cũng cảm nhận ở doanh nhân Nguyễn Hồng Lam (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm) thật nhiều điều mới mẻ. Lúc thấy ông khoe vừa nghiên cứu thành công mô hình nông nghiệp tuần hoàn từ chăn nuôi đến trồng trọt, lúc lại nghe bảo đang mày mò cả chế phẩm vi sinh để xử lý thực bì bên lĩnh vực lâm nghiệp, xử lý chất thải thủy sản… Và hơn hết là cảm nhận một nguồn năng lượng tưởng như vô tận trong những lần trò chuyện, miễn đó là chủ đề về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, chuyện người nông dân…

Lần này cũng vậy, gặp lại ông sau sự kiện Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp mặt các doanh nghiệp tiêu biểu dịp kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm hào hứng cho biết, Chủ tịch nước đánh giá cao hành trình của Tập đoàn Quế Lâm, đặc biệt là những giá trị cộng đồng mà suốt mấy chục năm Quế Lâm đồng hành, trao truyền công nghệ hữu cơ vi sinh đến với hàng triệu hộ nông dân. Đó vừa là niềm vinh dự, tự hào, đồng thời cũng là động lực lớn để chúng tôi tiếp tục lan truyền giá trị tử tế trong nông nghiệp.

Một hành trình mới của Quế Lâm, nhưng vẫn là những giá trị cốt lõi nhằm đóng góp xây dựng nền nông nghiệp vì nông dân, vì người tiêu dùng, vì sức khỏe cộng đồng.

Gió thu mơn man thổi trên những sườn đồi xã Phong Thu (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế). Ông Nguyễn Hồng Lam sải những bước chân chắc nịch dạo quanh tổ hợp 4F (farm – food – feed – ferlitizer). Vừa đi, ông vừa chia sẻ, vùng đất này ngày trước là đồi pha cát, chưa nắng đã khô, chưa mưa đã thấm, người dân muốn trồng cây gì, nuôi con gì cũng khó. Vậy mà bây giờ đã trở thành tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học đầu tiên và hiện đại hàng đầu Việt Nam.

Cách đây 3 năm, vào ngày khánh thành tổ hợp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT lúc đó là ông Nguyễn Xuân Cường từng gọi 4F là kỳ tích, mở ra cục diện mới của ngành nông nghiệp. Là bởi, nền nông nghiệp Việt Nam đang từng bước chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang kinh tế nông nghiệp với mục tiêu phát triển bền vững; nông nghiệp Việt Nam sẽ tái cơ cấu theo hướng thông minh, đặc hữu, một nền nông nghiệp xanh, tuần hoàn, không bỏ đi thứ gì và một nền nông nghiệp chia sẻ, không để ai bỏ lại phía sau…

Lẽ tất nhiên, trong hành trình đó, vấn đề lựa chọn đúng người, đúng việc không hề đơn giản bởi những nút thắt, rào cản cố hữu đã trói buộc nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam lâu nay. Cần những mô hình, hạt nhân và tư duy bài bản như cái cách ông Nguyễn Hồng Lam và Quế Lâm đang làm. “Người ta tưởng rằng, đất nước 100 triệu dân, thế giới 7,5 tỷ dân không ai dám hô làm nông nghiệp hữu cơ, vậy mà ông Lam lại làm và làm được”, ông Nguyễn Xuân Cường bày tỏ.

Trong vòng 5 tháng, giữa lúc cả nước gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19 thì ông Lam và Quế Lâm đầu tư hơn 700 tỷ đồng để xây dựng xong tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học trên diện tích 15ha, bao gồm nhà máy sản xuất chế phẩm sinh học, men vi sinh theo công nghệ tiên tiến hàng đầu của Nhật Bản với công suất sản xuất 50.000 tấn/năm; nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi công suất 100.000 tấn/năm; trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học quy mô từ 8.000 – 10.000 lợn thịt và hàng trăm lợn nái. Cùng với đó là nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh có công suất thiết kế đạt 100.000 tấn/năm…

Làm được điều đó quả là kỳ tích, nhưng với ông Lam, đó đơn giản là kết tinh của một hành trình theo đuổi mục tiêu nông nghiệp tuần hoàn, mục tiêu của cả cuộc đời ông.

“Nền nông nghiệp chúng ta ngày càng khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển đất nước, nhưng vẫn còn đó những điểm nghẽn cần khắc phục”, ông Lam nhắc lại những vấn đề đã từng báo cáo trong buổi gặp Chủ tịch nước ở Phủ Chủ tịch hồi giữa tháng 10/2023. Đó là tập quán sản xuất nông nghiệp lâu nay sử dụng công nghệ hóa học đã và đang khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên đất, nước…, gây ô nhiễm môi trường sinh thái, thoái hóa tài nguyên đất; nông sản, thực phẩm không đảm bảo an toàn dẫn đến bệnh tật và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cộng đồng.

Quá trình sản xuất nông nghiệp, các tài nguyên, đặc biệt là các phế phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản,… chưa được tận dụng nhiều để tái sử dụng, vẫn còn để lãng phí. Mặc dù Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều chính sách, đường lối để phát triển nền nông nghiệp bền vững nhưng vấn đề triển khai, áp dụng vào thực tiễn sản xuất còn nhiều rào cản…

Ông Lam vốn là lính cụ Hồ, mang những phẩm chất đặc trưng mà nhờ nó ông đã từng đưa một doanh nghiệp nhà nước trở thành đơn vị anh hùng. Đến khi “khởi nghiệp” với Tập đoàn Quế Lâm từ những năm đầu 2000, sự can trường của người lính đã tạo dựng nên hệ sinh thái Quế Lâm với 14 đơn vị thành viên ở khắp mọi vùng miền. Cùng với đó là Viện nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ sinh học, 8 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, hàng năm cung cấp hàng trăm ngàn tấn phân bón cho bà con nông dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, bền vững. Sự can trường cộng với đức tin và cả những cơ duyên, khát vọng đã giúp ông xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp Quế Lâm mà giá trị cốt lõi chính là đạo làm nông nghiệp tử tế.

Như trong một cuốn sách ông từng viết: Làm nông nghiệp dù ở góc độ nào cũng không thể vội vàng, “đánh quả” mà phải xây dựng lòng tin. Sự tử tế sẽ như ngọn lửa nhỏ thổi dần lên thành vùng sáng lớn. Triết lý xây dựng lòng tin của Quế Lâm bắt đầu chính từ sự bình tĩnh và chân thành, sáng tạo và phát triển. Phải luôn làm mới mình, phát minh ra những chế phẩm phục vụ nền nông nghiệp và mục tiêu tối thượng của tập đoàn là vi sinh, thứ mãi mãi là chân lý của nền nông nghiệp hiện đại và nhân văn.

Hơn 20 năm lấy “công nghệ vi sinh là bảo bối”, hệ sinh thái ấy của Quế Lâm đã đồng hành với người dân, thực hiện chuyển giao công nghệ, cung cấp chế phẩm sinh học cho bà con nông dân xử lý chất thải chăn nuôi, phế phụ phẩm trồng trọt, thủy sản để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh tại vườn, tại chuồng nhằm bảo vệ môi trường, tận dụng các nguồn tài nguyên sẵn có.

Quế Lâm cũng vận động người dân cùng liên kết xây dựng các chuỗi giá trị, từ đầu vào sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm nông sản sạch, hữu cơ như lúa gạo, cây ăn trái, thịt gia súc gia cầm…; sản xuất nông nghiệp tuần hoàn khép kín, không bỏ phí thứ gì, tiết kiệm triệt để các nguồn tài nguyên, chăn nuôi gắn với trồng trọt bằng công nghệ vi sinh chuyển giao từ Nhật Bản do Tập đoàn Quế Lâm sản xuất.

Ông Lam và Quế Lâm cũng là hạt nhât liên kết, vận động Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nông hình thành phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, bền vững. Xây dựng các tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao, sử dụng công nghệ vi sinh nhằm cải tạo, bảo vệ tài nguyên đất, tài nguyên nước, giúp cây trồng vật nuôi nâng cao khả năng chống chịu, hạn chế sâu bệnh, dịch bệnh. Từ đó nhân rộng mô hình, quy mô, lan tỏa cho bà con nông dân, đặc biệt là tạo sinh kế cho các hộ nông dân vùng sâu vùng xa, vùng kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.

Đã nhiều lần tôi hỏi, mỗi doanh nghiệp đều có giá trị cốt lõi, vậy với ông và Quế Lâm, giá trị đó là gì? Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm ngẫm ngợi: “Giá trị xuyên suốt của chúng tôi là công nghệ vi sinh, còn giá trị cốt lõi chính là mục tiêu góp phần xây dựng nền nông nghiệp vì nông dân, vì người tiêu dùng, vì sức khỏe cộng đồng. Hành trình của chúng tôi chính là trả lại cho đất, cho cây, cho con người những giá trị xanh và bền vững. Bởi nông dân nuôi chúng ta, làm bất cứ thứ gì nếu mang tâm thế vì dân chắc chắn sẽ thành công”.

Đi giữa tổ hợp 4F hôm nay, thường nghe ông Lam nói nhiều về đào tạo, về việc trao truyền “bí kíp” công nghệ sinh học đến nông dân. Cảm giác như đi giữa một trường học chuyên về nông nghiệp. Ở đó, lớp học, giảng đường chính là vườn cây, chuồng lợn, trực quan sinh động, gần gũi và sát sườn với bà con nông dân.

Từ khi hoàn thiện và đi vào hoạt động, tổ hợp 4F đều đặn hàng tuần vẫn thường đón tiếp các đoàn cán bộ nông nghiệp, nông dân ở các tỉnh về tham dự các khóa đào tạo nông nghiệp tuần hoàn do ông Lam trực tiếp đứng lớp, xa ngái như các tỉnh Tây Bắc (Lai Châu, Sơn La) đến Đồng bằng sông Hồng (Vĩnh Phúc, Hải Dương), từ các tỉnh gần gũi như Bắc Trung bộ (Hà Tĩnh, Quảng Bình) đến những vùng đất nơi cuối cùng Tổ quốc như Đồng bằng sông Cửu Long (Sóc Trăng, Đồng Tháp)… Đó thực sự là những khóa học đặc biệt mà mục tiêu xuyên suốt chính là lan tỏa giá trị nông nghiệp theo kiểu ông Lam.

Tôi đã từng gặp ông Huỳnh Ngọc Tây và ông Đỗ Thế Lực, hai nông dân ở huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai – những người sau khi tốt nghiệp “khóa học ông Lam” đã chia sẻ rất chân thành: “Nếu gặp Chủ tịch Quế Lâm sớm hơn, người chăn nuôi chúng tôi đã không phải khốn khổ như trước giờ”.

Giống như hàng vạn hộ sống bằng nghề chăn nuôi ở “thủ phủ” Đồng Nai, cả ông Tây và ông Lực từng bể nợ, từng thề độc sẽ không bao giờ nuôi lợn nữa. Vậy mà mấy năm trước, thực hiện thỏa thuận hợp tác phát triển nông nghiệp hữu cơ giữa Tập đoàn Quế Lâm và tỉnh Đồng Nai, hai nông dân miền Đông Nam bộ được chọn tham gia lớp học 15 ngày tại Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F do ông Lam đứng lớp. Kết thúc khóa học ấy, họ trở về và bây giờ đang là những mô hình kinh tế tuần hoàn, khép kín từ trồng trọt đến chăn nuôi tiên phong ở Đồng Nai.

Tôi cũng đã gặp ông Nguyễn Văn Lịch, Giám đốc HTX Thanh trà Phong Thu (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế). Vốn là cán bộ xã, từng đau đớn với những nút thắt không thể tháo gỡ của nền nông nghiệp thiếu an toàn nhưng bây giờ gia đình ông Lịch đang liên kết với Quế Lâm thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn có quy mô 20 lợn nái, 300 lợn thịt. Chất thải từ chăn nuôi được xử lý thành phân bón hữu cơ vi sinh chất lượng cao để bón cho 3ha thanh trà và bưởi da xanh, mỗi năm lãi ròng hơn 400 triệu đồng.

“Hợp tác xã của tui đang liên kết với 30 hộ dân tham gia, tạo thành chuỗi sản xuất khép kín từ đầu vào đến đầu ra. Nông nghiệp tử tế đang lan tỏa manh mẽ ở Thừa Thiên – Huế”, ông Lịch phấn khởi.

Một hôm khác, tình cờ gặp ông Nguyễn Quốc Trịnh, bây giờ là Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An. Ông Trịnh kể rằng, ngày trước huyện Châu Thành (Long An) chủ yếu “trồng thanh long theo hướng hóa học”, cây trái nhiễm độc đã đành, sức khỏe người sản xuất cũng chịu ảnh hưởng rất ghê gớm. Kể từ khi liên kết với ông Lam làm nông nghiệp tuần hoàn, đất đai được phục hồi, nông dân thấy khỏe, chất lượng trái cây có thể đi vào những thị trường khó tính nhất.

Rồi hàng nghìn, hàng vạn hộ nông dân, hợp tác xã khác, những người liên kết với ông Lam, với Quế Lâm để cùng nhau thay đổi. Sự tử tế bắt đầu từ những việc nhỏ, mô hình nhỏ và dần trở thành hướng đi, thành phong trào ở nhiều tỉnh, thành khắp cả nước. Từ thực tiễn đã thành công ở Thừa Thiên – Huế, Vĩnh Phúc, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Hà Tĩnh…, ngày càng có nhiều địa phương hợp tác, liên kết với ông Lam và Quế Lâm để phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.

Tại tỉnh Vĩnh Phúc, mô hình chăn nuôi an toàn sinh học của Quế Lâm được đưa vào chương trình xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu. Còn ở Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế, gần như tất cả các huyện, thị đều ký kết hợp tác với Quế Lâm, đưa các mô hình nông nghiệp tuần hoàn vào đề án phát triển ngành nông nghiệp. Ở Đồng Tháp, Sóc Trăng, thương hiệu nông sản hữu cơ được xây dựng với giá trị xuyên suốt là trách nhiệm và tử tế. Rồi ở A Lưới (Thừa Thiên – Huế), Tam Đường (Lai Châu) hay những bản làng Tây Nguyên, những vùng đồng bào dân tộc thiểu số vốn dĩ còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, thiếu sinh kế, kiến thức để phát triển bền vững. Vậy mà sau mấy năm liên kết với Quế Lâm, hôm nay cũng đã thấy đồng bào nói về nông sản sạch, về nông nghiệp trách nhiệm. Trách nhiệm với bản thân người sản xuất, người tiêu dùng và trách nhiệm với xã hội.

Còn với riêng ông Nguyễn Hồng Lam, hàng tuần, hàng tháng vẫn đang đều đặn đứng lớp, khi ở tổ hợp 4F, khi đi đến các địa phương, trong hội trường hay bên bờ ruộng, giữa khu chuồng nuôi… để vừa truyền cảm hứng, vừa truyền đạt kiến thức đến nông dân. Có người gọi ông là thầy, có người gọi là Chủ tịch Quế Lâm, người lại gọi là nhà khoa học của nhà nông, Chủ tịch Hội nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam… Dù cách gọi nào cũng thấy ông cười, nụ cười khát vọng cùng ánh mắt lúc nào cũng hừng hực như lửa.

“Tôi hạnh phúc khi được giúp đỡ mọi người và muốn trút hết tâm huyết vì nền nông nghiệp sinh thái, không giữ lại gì cho riêng mình cả. Hạnh phúc với tôi ở tuổi này là được chia sẻ thành công với càng nhiều người càng tốt, để vì một nền nông nghiệp an toàn, bền vững, vì sức khỏe cộng đồng và để không ai bị bỏ lại phía sau”, ông Nguyễn Hồng Lam chia sẻ.

Có nhiều người hỏi, tại sao Quế Lâm không xuất khẩu nông sản khi thị trường đang rất cần và rộng mở? Rồi thì xuất khẩu chính là con đường để tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, sao chưa thấy Quế Lâm làm? Bản thân tôi cũng đã nhiều lần hỏi ông Lam câu đó, nhất là mấy năm gần đây vẫn thường thấy nhiều đoàn khách quốc tế khi đến thăm và làm việc tại Việt Nam đều tìm đến Quế Lâm mời gọi hợp tác đầu tư.

Chủ tịch Quế Lâm tâm sự: “Nông sản Việt trước hết phải phục vụ người Việt đã. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn chúng ta lâu nay có một thực trạng, một lối tư duy cố hữu là cái gì ngon, sạch thì đem bán lấy tiền; cái gì xấu, hại thì giữ lại ăn. Tôi cho rằng tư duy đó cần phải thay đổi, muốn trách nhiệm với nền nông nghiệp, trách nhiệm với người tiêu dùng trong nước hay thế giới thì lẽ nào không trách nhiệm với bản thân? Cho nên Quế Lâm chắc chắn cũng sẽ “bước ra thế giới đàng hoàng”, nhưng chỉ là khi tôi phục vụ tốt đồng bào tôi cái đã, phục vụ người Việt mình ăn ngon, mặc đẹp đã, rồi muốn đi đâu thì đi”.

Nói là nói vậy, nhưng dường như một hành trình mới, sứ mệnh mới đang dần mở ra với ông Lam và Tập đoàn Quế Lâm. Bởi khi Chủ tịch Quốc hội Lào Xaysomphone Phomvihane đến và mời gọi Quế Lâm sang Lào giúp xứ sở triệu voi làm nông nghiệp hữu cơ đã chia sẻ chân tình rằng ông biết đến Quế Lâm là tập đoàn tiên phong trong chuyển đổi sang nông nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Rồi Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Cuba Maury Hechavarria Bermudez cũng vậy. Vị chính khách đến từ bên kia bán cầu mong muốn Quế Lâm – tập đoàn tiên phong về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn của Việt Nam sang giúp đỡ Cuba, tiếp truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc. Đó là những giá trị mà tôi biết chắc, với một người suốt đời xây dựng lòng tin như ông Nguyễn Hồng Lam rất khó có thể khước từ.

Sự tử tế trong bất cứ lĩnh vực nào cũng đều là đạo, là con đường duy nhất để phát triển bền vững. Nông nghiệp lại càng cần phải tử tế. Giống như Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trong những lần đến thăm, làm việc với Tập đoàn Quế Lâm vẫn thường chia sẻ: Phải có một hệ sinh thái của những người làm nông nghiệp tử tế để từ đó tạo ra sức lan tỏa, cốt lõi là thay đổi nhận thức, tư duy bà con nông dân. Hành trình của Quế Lâm chính là hành trình thức tỉnh.

Tư lệnh ngành nông nghiệp Việt Nam tâm niệm, xu thế của thế giới trong nền kinh tế thời đại mới đi kèm với những thông điệp ít hơn nhưng được nhiều hơn và nhiều hơn từ cái ít hơn. Mục tiêu tổng quát của nông nghiệp Việt Nam là phát triển nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững… Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục sứ mệnh xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh, nông dân giàu có, cơ sở hạ tầng hiện đại và đồng bộ, sử dụng hiệu quả và bảo vệ bền vững tài nguyên thiên nhiên… Hành trình của ông Nguyễn Hồng Lam và Tập đoàn Quế Lâm chính là đang góp phần hoàn thành sứ mệnh đó.

Có lẽ vì thế mà nhiều lần tôi chứng kiến, mỗi khi gặp Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm, câu đầu tiên Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói đó là: Chào người tử tế!

Nội dung: Hoàng Anh
Thiết kế: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Ảnh: Hoàng Anh – Đinh Tùng
Video: Hoàng Anh – Đoàn Dũng