Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Thừa Thiên – Huế nghiên cứu xây dựng kế hoạch hợp tác giữa tỉnh và Bộ NN-PTNT về sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam kiểm tra mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học ở huyện Phong Điền. Ảnh: Hoàng Anh.
Nhiều mô hình hiệu quả
Ngày 18/11, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cùng đoàn công tác của Bộ NN-PTNT làm việc với tỉnh Thừa Thiên – Huế về xây dựng vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng bền vững, phát triển nông nghiệp hữu cơ, mô hình khuyến nông, nông thôn mới và sản phẩm OCOP…
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế về Đề án phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng bền vững giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp để hoàn thiện đề án và đang xây dựng vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ thuộc địa bàn 4 huyện (Phong Điền, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới) và 2 thị xã (Hương Trà, Hương Thủy); Đã ký hợp tác liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng trồng có chứng chỉ đối với các HTX, lâm hộ trồng rừng có quy mô nhỏ và thành viên hợp tác xã giai đoạn 2021-2025.
Tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã thành lập được 25 hợp tác xã lâm nghiệp bền vững, sản xuất gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, xây dựng đề án, kế hoạch hỗ trợ theo các chính sách của nhà nước cho hợp tác xã.
Sở NN-PTNT xây dựng kế hoạch hỗ trợ bà con nông dân giai đoạn 2021-2025 xây dựng mở rộng quy mô rừng trồng gỗ lớn, có chứng chỉ rừng tối thiểu là 12.000 ha với ít nhất trên 2.250 hộ nông dân/40 hợp tác xã lâm nghiệp bền vững, hoạt động theo chuỗi giá trị rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ rừng.
Thừa Thiên – Huế kiến nghị Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ địa phương kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước phối hợp hỗ trợ xây dựng các dự án hỗ trợ phát triển hợp tác xã, nhất là các hợp tác xã trong lĩnh vực lâm nghiệp đều rất mới, nằm địa bàn khó khăn vùng núi một số là đồng bào dân tộc thiểu số.
Mặt khác trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ đã mang lại nhiều lợi ích như bảo vệ môi trường, tăng hiệu quả kinh tế khi có liên kết chuỗi bền vững, tuy nhiên thời gian chu kỳ trồng rừng kéo dài 2-3 năm so với trồng rừng thông thường nên người dân, hợp tác xã thiếu vốn sản xuất.
Kiểm tra mô hình trồng rừng gỗ lớn ở huyện Phú Lộc. Ảnh: Hoàng Anh.
Về phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, VietGAP, hữu cơ tiếp tục phát triển với hơn 53.900m2 nhà lưới, 5.054 ha sản xuất theo VietGAP, 483 ha theo hướng hữu cơ.
Chăn nuôi Thừa Thiên – Huế đang có bước chuyển dịch từ phân tán, nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, theo hướng công nghiệp, trang trại, các mô hình chăn nuôi công nghệ cao, VietGAP, hữu cơ, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh đang được quan tâm đầu tư, từng bước tạo ra sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Toàn tỉnh có 385 trang trại chăn nuôi, trong đó có 10 trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn, 60 trang trại quy mô vừa và 315 trang trại quy mô nhỏ; 150 cơ sở chăn nuôi theo hướng hữu cơ, sử dụng đệm lót sinh học với khoảng 6.000 con lợn và 1 trang trại chăn nuôi lợn hữu cơ với quy mô 500 con/lứa…
Tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã phê duyệt chương trình Khuyến nông, các hoạt động khuyến nông tập trung vào các chương trình nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi chủ lực có thế mạnh của tỉnh, các tiến bộ kỹ thuật mới đặc biệt là các tiến bộ kỹ thuật về công nghệ sinh học, phương pháp canh tác mới, cơ giới hóa; liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Về xây dựng nông thôn mới, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có 59/94 xã đạt chuẩn, 25 sản phẩm OCOP cấp tỉnh…
Thừa Thiên – Huế và Tập đoàn Quế Lâm đã xây dựng thành công chuỗi thịt lợn và lúa gạo hữu cơ. Ảnh: Hoàng Anh.
Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, hoàn toàn đồng tình với Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2021-2025 của Bộ NN-PTNT. Về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, theo ông Minh, trên địa bàn tỉnh đã có những thay đổi rõ rệt, đặc biệt là về tư duy, nhận thức.
“Sau 2 năm hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm, toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc cùng với hợp tác xã, người nông dân hình thành các chuỗi sản xuất thịt lợn và chuỗi sản xuất lúa gạo trên địa bàn tỉnh. Dựa trên những mô hình thành công, Thừa Thiên – Huế kiến nghị Bộ NN-PTNT triển khai thí điểm xây dựng mô hình điểm làng sản xuất nông nghiệp hữu cơ an toàn trên địa bàn, từ đó triển khai trên diện rộng”, ông Hoàng Hải Minh kiến nghị.
Về Đề án xây dựng vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng phát triển bền vững, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ các hợp tác xã ở Thừa Thiên – Huế xây dựng các trung tâm giống lâm nghiệp. Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn làm việc với một số ngân hàng, bảo hiểm, doanh nghiệp để cùng vào cuộc khi triển khai đề án.
“Vùng nguyên liệu phát triển gỗ rừng trồng ở Thừa Thiên – Huế đã rõ và tôi tin tưởng sẽ thành công”, Thứ trưởng Nam nói.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đề nghị Thừa Thiên – Huế và Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương khẩn trương xây dựng Trung tâm Khởi nghiệp và phát triển OCOP nhằm phát triển sản phẩm OCOP khu vực miền Trung và Tây Nguyên, cố gắng khai trương trong năm 2022.
Về nông nghiệp hữu cơ, Thứ trưởng Nam đề nghị Thừa Thiên – Huế nghiên cứu xây dựng kế hoạch tiến tới ký hợp tác giữa tỉnh và Bộ NN-PTNT về việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn.
“Từ các mô hình của Tập đoàn Quế Lâm đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về nông nghiệp hữu cơ, từ đó nhân rộng các mô hình, xây dựng Thừa Thiên – Huế thành địa phương tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ, xây dựng làng nông nghiệp hữu cơ và nhân rộng ra các địa phương khác”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định.
Hoàng Anh – Tiến Thành (Nguồn: Báo Nông Nghiệp Việt Nam)