VUI BUỒN LÀM NÔNG SẢN HỮU CƠ

Câu chuyện vận động người dân làm nông sản hữu cơ không phải là chuyện dễ dàng. Ông Nguyễn Thụ – Giám đốc hợp tác xã (HTX) Phú Lương I, xã Phú Lương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều lần “khổ”, nhiều kỷ niệm “cười ra nước mắt” trong nghiệp làm nông sản sạch của mình.

Rời quân ngũ, ông về công tác tại HTX Phú Lương I đến nay hơn 30 năm. Gắn bó và tâm huyết với nhà nông, với nông nghiệp, ông cùng các anh chị em trong HTX luôn mong muốn cây trồng, vật nuôi của nông dân quê mình đạt năng suất cao, được thị trường ủng hộ. Vài năm trước, khi Tập đoàn Quế Lâm kết hợp với HTX triển khai trồng lúa hữu cơ với sự hỗ trợ về giống, phân bón hữu cơ, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm, ông nhận thấy đây là hướng đi tất yếu đối với ngành nông nghiệp. Phải hướng đến sản xuất sạch, đảm bảo an toàn cho môi trường và sức khỏe con người thì mới bền vững được.

Nghĩ là làm, ông không ngần ngại tiên phong trong việc vận động bà con trồng lúa hữu cơ với Tập đoàn Quế Lâm. Mùa vụ đầu tiên, HTX chỉ trồng thử nghiệm trên diện tích 5 ha, sau đó kết quả khả quan nên tăng dần quy mô lên, đến nay HTX có 64 ha lúa hữu cơ.

Ông kể: “Thời gian đầu triển khai thực hiện cũng gặp không ít khó khăn.  HTX cùng Tập đoàn Quế Lâm đã tổ chức nhiều hội thảo để bà con nông dân thấy được hiệu quả của việc làm nông nghiệp hữu cơ. Với 5 ha đầu tiên, tôi đi họp với bà con nông dân, năn nỉ đến 6 buổi mới thuyết phục được họ. Trồng lúa hữu cơ phải áp dụng theo đúng quy trình của Tập đoàn đưa ra, không thuốc diệt cỏ, không bón phân hóa học, không thuốc trừ sâu nhằm đảm bảo sản phẩm thu hoạch đúng tiêu chuẩn. Tuy nhiên, bà con nông dân vốn đã quen với tập tục canh tác từ trước đến nay, nên vẫn chưa quen, vẫn có những trường hợp đi “bơm trộm” thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu. Đó là thời điểm đầu tiên, nhưng đến nay bà con đã thấy được hiệu quả và thực hiện tốt các cam kết”.

Từ khi Quế Lâm đồng hành cùng HTX, đến nay, ông đã có nhiều kỷ niệm đáng nhớ, có thể nói là …cười ra nước mắt. Chiến lược phát triển nông sản hữu cơ của Quế Lâm là vì cộng đồng, vì một môi trường sạch, vì sức khỏe của mọi người mọi nhà. Khi các yêu cầu kỹ thuật Quế Lâm đưa ra để áp dụng trong quá trình trồng trọt và chăn nuôi, nhiều hộ dân khá “nghi ngờ” về hiệu quả. Xoay quanh câu chuyện Quế Lâm làm nông sản hữu cơ cũng có khá nhiều ý kiến trái chiều về “ông Thụ có gì với Quế Lâm hay sao mà bảo vệ và nhất mực làm theo mô hình của Quế Lâm”.

Ông Nguyễn Thụ (Thứ 2 bên trái qua) trao đổi với PV về những kỷ niệm làm nông sản hữu cơ

Ông nói: “Nếu muốn nghe những lời đồn thổi, nói xấu về Quế Lâm của các đối thủ cạnh tranh hãy ghé quán cà phê gần ngã ba đường trước khi vào HTX thì biết rõ. Có dạo, có một đơn vị khác cạnh tranh khốc liệt với Quế Lâm đã cắm biển quảng cáo ngay trên cánh đồng lúa hữu cơ của Quế Lâm. Chúng tôi ngay lập tức cho nhổ biển cắm, họ lại cắm lần thứ hai, tôi cũng đã bảo với Tập đoàn và cũng tiếp tục nhổ lên. Bởi vậy có nhiều lời ra tiếng lại nói tôi thế này thế khác, mất lòng cũng có, đủ cả. Nhưng đã quyết tâm làm lúa sạch thì phải theo đến cùng, sau mấy năm thực hiện, bà con đã nhận thấy hiệu quả rõ rệt, bà con được hưởng lợi nên bây giờ rất tin tưởng và mong muốn Quế Lâm mở rộng thêm diện tích trồng lúa hữu cơ ra các thôn còn lại của HTX”.

Thời gian đầu thực hiện gặp nhiều khó khăn nhưng khi có kết quả rồi, ông cũng gặp những cái khó khi đôi lúc “không biết phân xử thế nào” bởi những hiệu quả Quế Lâm mang đến. Bởi có hiệu quả bà con “đòi” làm với Quế Lâm, các thôn “kiện” nhau, vì làm thôn bên này, thôn bên kia chưa làm. Mới đây, Tập đoàn đã cho tài trợ cho HTX 3 sân để phơi lúa, HTX có đông hộ gia đình, vì vậy phải chọn những hộ đảm bảo tốt các quy trình trồng lúa Quế Lâm đề ra, phải xứng đáng. Vấn đề này cũng khiến ông “đau đầu”. Ông kể: “Đi chợ, bà xã bị nhiều người “kiện”, thăm hỏi sao không chia cho con cháu trong nhà, người quen mà chọn các hộ khác. Cũng gian nan lắm”.

Bài: Quỳnh Mai, Ảnh: Trường Sơn