TS Nguyễn Minh Phong: Là một đối tượng thụ hưởng trực tiếp các chính sách về phân bón, ông đánh giá thế nào về những thay đổi tư duy và phương pháp quản lý trong giai đoạn chuyển giao đầu mối quản lý ngành? và mong đợi gì trong thời gian tới?
Ông Khắc Ngọc Bá – Phó Tổng Giám đốc Tập Đoàn Quế Lâm tại buổi Tọa đàm
Ông Khắc Ngọc Bá, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm: Như các bạn đã biết, trước đây, quản lý nhà nước về phân bón do hai bộ đảm nhiệm. Cụ thể, Bộ Công thương quản lý về phân bón vô cơ, còn phân bón hữu cơ và các phân bón khác do Bộ NN và PTNT quản lý. Điều này dẫn đến một số bất cập, tạo ra những khó khăn nhất định cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón, đặc biệt là những doanh nghiệp làm ăn “chân chính”.
Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17-2-2017, đã đưa trách nhiệm quản lý nhà nước về phân bón về một đầu mối là Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN và PTNT) là một sự thay đổi đáng ghi nhận trong tư duy quản lý và phương pháp quản lý. Nghị định này đã tháo gỡ các “vướng mắc” của doanh nghiệp như: Thủ tục cấp phép, lưu hành sản phẩm, công tác kiểm tra, thanh tra, tư vấn… Tiết kiệm được nhiều “thủ tục” và thời gian cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tôi xin lấy thí dụ: Như trước đây, doanh nghiệp trước khi đăng ký cấp phép hoặc lưu hành sản phẩm phải tiến hành làm thủ tục cấp phép song song tại cả hai bộ (Bộ Công thương và Bộ NN và PTNT). Nhưng từ khi có Nghị định mới, chỉ một đầu mối thực hiện quản lý nhà nước về phân bón sẽ “tiết kiệm” được nhiều thời gian và thủ tục cho doanh nghiệp.
Trước đây chúng tôi cũng tham gia một số buổi tọa đàm, làm việc.
Bên cạnh đó, Nghị định 108/2017/NĐ-CP ban hành ngày 20-9-2017 cũng đã đưa ra các phương pháp quản lý phân bón chặt chẽ trong tất cả các khâu, các công đoạn, như: công nhận lưu hành sản phẩm; khảo nghiệm; sản xuất; buôn bán; xuất khẩu; nhập khẩu; quản lý chất lượng, ghi nhãn; quảng cáo, hội thảo và sử dụng phân bón ở Việt Nam.
Đồng thời, Nghị định 108 cũng đưa ra phương pháp cụ thể để quản lý các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất/buôn bán phân bón, quy định rõ các đối tượng chỉ được hoạt động khi có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất/buôn bán phân bón.
Nghị định 108 cũng siết chặt việc khảo nghiệm sản phẩm phân bón mới trước khi lưu hành, nhằm ngăn chặn việc sản xuất ồ ạt ra thị trường.
Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón, chủ yếu là phân hữu cơ và các sản phẩm nông nghiệp “sạch”, Tập đoàn Quế Lâm ghi nhận và đánh giá cao những thay đổi trong phương thức và tư duy quản lý của cơ quan chức năng. Tập đoàn Quế Lâm nói riêng, các doanh nghiệp chân chính hoạt động trong lĩnh vực phân bón nói chung, trân trọng sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Chính phủ trong thời gian gần đây. Việc điều chỉnh phương pháp và tư duy quản lý trong thời gian gần đây đã tháo gỡ nhiều vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi từ Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương trong thời gian tới. Đặc biệt trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất kinh doanh, có công nghệ hiện đại để sản xuất các sản phẩm chất lượng tốt phục vụ cho bà con nông dân.
Đồng thời, chúng tôi cũng mong nhận được sự ủng hộ từ các cơ quan báo chí, truyền thông, trong việc tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức chung về phân bón hữu cơ, những lợi ích của việc sử dụng phân bón hữu cơ. Từ đó, nhân rộng phong trào sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp, góp phần hướng đến phát triển một nền nông nghiệp “sạch”.
TS Nguyễn Minh Phong: Thưa ông Khắc Ngọc Bá, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm, tại sao doanh nghiệp không làm vô cơ cho lợi hơn, ông lại chọn đầu tư phân bón hữu cơ và trong quá trình làm DN có đề nghị và cần Nhà nước hỗ trợ gì?
Ông Khắc Ngọc Bá: Hiện nay, ở nước ta, nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ chiếm tỷ trọng rất ít, chỉ khoảng dưới 10% trên tổng nhu cầu phân bón (khoảng 11 triệu tấn phân bón) được sử dụng mỗi năm trên toàn quốc.
Trong một thời gian dài, bà con nông dân quen dùng phân bón vô cơ để tiện, bốc nhanh, tăng năng suất và sử dụng rất ít phân bón hữu cơ, phân vi sinh bà con nói rằng nặng hơn, bốc không nhanh, vì họ chưa rõ về những lợi ích kép (chất lượng nông sản, môi trường) mà phân bón hữu cơ mang lại. Đây là trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ như Tập đoàn Quế Lâm chúng tôi.
Năm 1991, công nghệ vi sinh cho sản xuất phân bón lần đầu tiên được du nhập vào Việt Nam, do Việt kiều Phạm Văn Hữu đưa về và được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chấp thuận. Kể từ đó đến nay, trải qua gần 30 năm khó khăn, nhiều doanh nghiệp sản xuất phân hữu cơ vi sinh đã không thể duy trì, thậm chí, một số doanh nghiệp đã phải chuyển sang sản xuất phân bón vô cơ để tồn tại.
Nhưng đối với Tập đoàn Quế Lâm, trải qua bao khó khăn, chúng tôi vẫn kiên trì theo con đường sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh nói riêng, phân bón hữu cơ nói chung. Có thể nói rằng, đến một thời điểm nào đó nếu chúng ta sử dụng phân vô cơ nhiều quá thì ưu điểm của nó về năng suất, nhưng nó sẽ phá vỡ hệ sinh thái nông nghiệp. Vì vậy, muốn giảm thiểu ô nhiễm môi trường cần sử dụng phân hữu cơ vi sinh để dần dần tái tạo lại nền nông nghiệp và chất lượng nông sản. Cho đến nay, chúng tôi đã dần khẳng định được vị thế và hiện đang phát triển lớn mạnh hơn.
Sự kiên trì của chúng tôi bắt nguồn từ một nhận thức, rằng sử dụng quá nhiều phân bón vô cơ (phân bón hóa chất) sẽ phá vỡ hệ sinh thái môi trường trong canh tác nông nghiệp. Chúng tôi tin rằng, để khắc phục tình trạng trên, chúng ta cần hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, phân bón hóa học, thay vào đó, cần sử dụng phân bón hữu cơ để phục hồi dần lại môi trường canh tác mà vẫn bảo đảm sản xuất. Về lâu dài, việc sử dụng phân bón hữu cơ không chỉ nâng cao chất lượng nông sản, mà còn góp phần bảo vệ môi trường canh tác nói riêng, môi trường sống nói chung, để phát triển bền vững.
Chúng tôi ghi nhận và trân trọng sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua đối với việc định hướng phát triển nền nông nghiệp “sạch”. Đặc biệt, sự quan tâm, động viên và tạo điều kiện của Bộ NN và PTNT trong thời gian gần đây đã “thổi luồng sinh khí” mới cho việc phát triển nền nông nghiệp “sạch” nói chung, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ, và phát triển ngành sản xuất phân bón hữu cơ nói riêng.
Thưa các đồng chí, doanh nghiệp chúng tôi đã tự làm tuyên truyền về phân hữu cơ vi sinh. Vì khi chúng tôi mang bán đơn thuần trong hệ thống phân phối, ai hiểu được thì dùng nhưng rất ít nhưng chúng tôi vẫn bắt buộc phải làm mô hình trình diễn, cùng bà con nông dân ban đầu làm vài héc-ta, sau đó xem xét chất lượng trên diện tích sử dụng, bà con nông dân thấy được và quan tâm đăng ký dần tăng lên và lan tỏa…
Trong thời gian tới, chúng tôi mong tiếp tục nhận sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi từ cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương… để ngành sản xuất phân bón hữu cơ nói riêng, ngành nông nghiệp nói chung được phát triển ổn định, góp phần phát triển kinh tế bền vững.
Một lần nữa, chúng tôi cũng mong nhận được sự ủng hộ từ các cơ quan báo chí, truyền thông, trong việc tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức chung về phân bón hữu cơ, những lợi ích của việc sử dụng phân bón hữu cơ, giúp bà con nông dân hiểu được và ủng hộ đưa sản phẩm phân hữu cơ vi sinh vào cây nông nghiệp nước nhà, bảo đảm chất lượng nông sản, đặc biệt là môi trường sống tốt đẹp hơn. Từ đó, nhân rộng phong trào sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp, góp phần hướng đến phát triển một nền nông nghiệp “sạch” và bền vững.