Thêm nhiều mô hình sản xuất hữu cơ mới được Tập đoàn Quế Lâm đầu tư tại các tỉnh phía Nam

Lãnh đạo sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cùng bà con tham quan mô hình lúa hữu cơ ST24 của Tập đoàn Quế Lâm

Những mô hình canh tác hữu cơ tiêu biểu

Mô hình được triển khai trong vụ Đông – Xuân (2019 – 2020) tại hộ ông Trương Văn Chệt, khóm Tân Thành, Phường 2 (TX. Ngã Năm) với diện tích 1ha, giống lúa chọn canh tác là giống ST24. Trong quá trình canh tác, Tập đoàn Quế Lâm đã hỗ trợ về phân bón, các loại chế phẩm sinh học, hướng dẫn hộ áp dụng quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Với mô hình này, cây lúa cho năng suất, chất lượng cao hơn trong khi tiền đầu tư chăm bón thấp hơn nhiều so với canh tác theo phương pháp thông thường.

Tại Sóc Trăng, Tập đoàn Quế Lâm cũng đầu tư cho một hộ dân tại ấp Âu Thọ A, xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh Châu triển khai mô hình trồng hành tím theo hướng hữu cơ với quy mô 1.000m² vào đầu tháng 12/2019. Kết quả sau thu hoạch cho thấy khác biệt rất lớn so với canh tác theo hướng truyền thống: năng suất cao hơn 200kg; củ to, chắc, màu sáng đặc trưng; thời gian thu hoạch được rút ngắn 5 ngày; chi phí giảm 2 triệu đồng.

Mô hình trồng hành tím theo hướng hữu cơ đem lại hiệu quả cao.

Ông Lương Minh Quyết – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng – cho biết, sự phối hợp của Tập đoàn Quế Lâm trong công tác hỗ trợ nông dân áp dụng canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ đã góp phần tạo ra sản phẩm có năng suất và chất lượng cao. Sắp tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ mở rộng mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ đối với những loại nông sản tiêu biểu như lúa, hành tím… để giúp nông sản Sóc Trăng có chất lượng đầu ra tốt nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu. Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng đề nghị Tập đoàn Quế Lâm tiếp tục hỗ trợ tỉnh nhân rộng sản xuất theo hướng hữu cơ và liên kết bao tiêu sản phẩm cho bà con.

“Bà con nông dân cần cố gắng đầu tư sản xuất theo hướng hữu cơ để sản xuất ra các nông sản sạch, đạt chuẩn an toàn. Đây là con đường duy nhất trong tương lai để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng”, Ông Lương Minh Quyết cũng nhắn nhủ với bà con địa phương.

Trước đó, vào năm 2018, Tập đoàn Quế Lâm cũng bắt đầu liên kết với nông dân trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Long An trồng thanh long ruột đỏ hữu cơ. Trong đó, Quế Lâm chịu trách nhiệm chuyển giao kỹ thuật và phân bón. Mô hình 1ha đầu tiên với 2.400 trụ thanh long đã thu hoạch được trên 10 tấn trong vụ đầu, có giá bán 60.000 đồng/kg, cao hơn giá bán thanh long loại 1 trên thị trường khoảng 10.000 đồng/kg. Nối tiếp thành công, năm 2019 Quế Lâm đã nhân rộng thêm 1 mô hình nữa cũng tại huyện Châu Thành với diện tích 3.500m².

Từ một doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, các chế phẩm sinh học, rồi tiến tới hình thành những vùng chuyên canh theo hướng hữu cơ, đến nay Tập đoàn Quế Lâm đã kết hợp với các địa phương khắp ba miền để xây dựng được nhiều mô hình canh tác hữu cơ hiệu quả.

Cụ thể, Tập đoàn Quế Lâm đã triển khai các mô hình trồng lúa, cây ăn trái, cà phê, cao su… với các tỉnh như Sơn La, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hòa Bình, Tuyên Quang… Quế Lâm cũng đã xây dựng được những cánh đồng mẫu lớn trồng lúa ở hai huyện Hương Trà và Hương Thủy tỉnh Thừa Thiên Huế. Hiện nay, Quế Lâm đang tiếp tục triển khai nhiều mô hình canh tác theo hướng hữu cơ ở các tỉnh phía Nam như Trà Vinh, Sóc Trăng, Đồng Nai…

Trách nhiệm đối với người nông dân

Trong quá trình thực hiện các mô hình canh tác nông nghiệp hữu cơ, Tập đoàn Quế Lâm đầu tư cho bà con toàn bộ từ giống, phân bón. Đồng thời, Quế Lâm thành lập riêng một Hội đồng khoa học và tư vấn bao gồm các nhà khoa học đầu ngành để hướng dẫn cho bà con thực hành, sau đó thu mua toàn bộ sản phẩm. Điều này thể hiện cam kết của Quế Lâm trong việc đầu tư cho người nông dân.

Thực tế cho thấy các mô hình canh tác theo hướng hữu cơ của Quế Lâm đều cho kết quả khả quan với năng suất, chất lượng nông sản cao hơn so với canh tác theo hướng thông thường, nhận được sự tín nhiệm của lãnh đạo địa phương, bà con nông dân và người tiêu dùng. Với quy trình bón phân hữu cơ vi sinh, đất trồng sẽ được tăng độ tơi xốp, dinh dưỡng giúp cây không bị suy yếu qua các mùa. Do nói không với thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, chất kích thích, chi phí sản xuất sẽ giảm bớt, đồng thời sức khỏe của người nông dân và cả người tiêu dùng đều được bảo đảm.

Ông Nguyễn Hồng Lam – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm – cho biết, trên chặng đường đi từ phân bón hữu cơ đến nông sản hữu cơ, ông luôn gửi gắm trong từng sản phẩm, mô hình của mình cả tấm lòng tri ân đến với người nông dân, vì Tập đoàn Quế Lâm tồn tại được là nhờ nông dân. Dù phải chấp nhận nhiều rủi ro, nhưng ông tin nếu làm bằng cái tâm thì sẽ có được sự ủng hộ của cộng đồng.

Với ước mong trả về cho đất, cho cây, cho cánh đồng sự màu mỡ, hệ sinh thái tự nhiên, những vụ mùa bội thu; đem lại cho người nông dân một cuộc sống ấm no; cho người dân chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao, dù sản xuất nông sản theo hướng hữu cơ là điều rất khó khăn, nhất là việc thay đổi nhận thức của bà con nông dân – việc làm đòi hỏi sự quyết tâm và phối hợp đồng bộ với chính quyền – Tập đoàn Quế Lâm vẫn kiên trì theo đuổi con đường này.

Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ Quế Lâm

Trong chuyến thăm và làm việc với Tập đoàn Quế Lâm vào tháng 07/2019 tại Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT – đánh giá rất cao những nỗ lực của Tập đoàn Quế Lâm trên con đường xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ bền vững. Ông cho rằng Quế Lâm là một trong những tập đoàn nổi bật đi theo hướng tạo ra vật liệu đầu vào và chuỗi sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh sản xuất phân bón hữu cơ – vật liệu tối quan trọng cho ngành nông nghiệp – Quế Lâm cũng xây dựng được chuỗi nông sản hữu cơ như lúa gạo, thịt lợn… tạo ra sản phẩm chất lượng cao, cách canh tác phù hợp với nông hộ, giá thành thực hiện vừa phải, dễ làm, dễ liên kết cùng nhau sản xuất.

Với niềm đam mê, khát vọng và trách nhiệm, Tập đoàn Quế Lâm đang từng bước hiện thực hóa giấc mơ về một nền nông nghiệp hữu cơ bền vững.

NGỌC PHƯƠNG
(theo http://nongthonviet.com.vn)