Trong buổi làm việc ngày 22/03/2021 với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Nai tại Cty TNHH MTV Quế Lâm Tam Phước, ông Nguyễn Hồng Lam – Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm khẳng định: Tập đoàn quyết tâm đẩy mạnh phát triển lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ trên nền tảng công nghệ sinh học tại Đồng Nai.
Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai thăm nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh của Tập đoàn Quế Lâm tại Tam Phước.
Ông Nguyễn Hồng Lam cho rằng, thế kỷ 21 là thế kỷ của công nghệ sinh học, đây là xu hướng của thế giới và Việt Nam không thể ở ngoài cuộc. “Ý tưởng của chúng tôi là làm nông nghiệp hữu cơ gắn với kinh tế tuần hoàn. Đầu ra của trồng trọt là đầu vào của chăn nuôi, nhiều năm nay chúng tôi đã rất thành công với 2 mô hình chăn nuôi lợn và trồng lúa”. – Ông Lam chia sẻ.Nông nghiệp hữu cơ gắn với kinh tế tuần hoàn
Ở Đồng Nai, Tập đoàn Quế Lâm đã đầu tư nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh Tam Phước. Nhà máy này dùng vi sinh vật để bào chế phân bón thông qua việc tận dụng mọi thứ phế thải trong quá trình chăn nuôi, ví dụ như phân lợn, để sản xuất phân hữu cơ vi sinh thân thiện môi trường. Không có rác, phát thải nào thải ra môi trường bên ngoài trong suốt quá trình này.
Trao đổi với ông Cao Xuân Sỹ – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, ông Lam khẳng định sau gần ba mươi năm miệt mài với nông nghiệp hữu cơ thì cuối cùng một hệ sinh thái nông nghiệp tuần hoàn gắn kết giữa trồng trọt và chăn nuôi, một hệ sinh thái nông nghiệp Quế Lâm đã thực sự hoàn thiện. Bằng những nguồn lực có sẵn và kinh nghiệm trong lĩnh vực, Quế Lâm sẽ góp phần giúp tỉnh nhà phát triển một nền kinh tế nông nghiệp hữu cơ vững mạnh như đã triển khai những mô hình tương tự trên cả nước, như mô hình 4F trong chăn nuôi lợn quy mô lớn mà Quế Lâm triển khai tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ông Lam cho biết Dự án “Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F” ở Thừa Thiên Huế bao gồm nhà máy sản xuất các chế phẩm sinh học, sản xuất men vi sinh, chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ, sinh học. Ở đây có trồng ngô, đậu tương, trồng lúa để cung cấp vỏ trấu làm đệm lót sinh học, cung cấp cám gạo để làm thức ăn chăn nuôi. Cái hay của dự án này là vẫn giúp tạo nên sinh kế cho các nông hộ, những người chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn có thể áp dụng mô hình chuồng 4F thu nhỏ.
Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F của Quế Lâm tại huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế
Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm cho rằng Đồng Nai có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Quế Lâm sẵn sàng đồng hành cùng với tỉnh Đồng Nai để xây dựng và phát triển nông nghiệp hữu cơ vi sinh quy mô lớn tại địa phương. Vì vậy ông đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai đề xuất với UBND tỉnh hỗ trợ về mặt chính sách để doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào đây, theo nghĩa cơ quan quản lý nhà nước sẽ làm “bà đỡ” cho người dân, và cho doanh nghiệp.Đồng Nai thuận lợi để phát triển nông nghiệp hữu cơ
Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đánh giá cao việc Quế Lâm lựa chọn đầu tư nhà máy phân bón hữu cơ vi sinh tại địa phương. Đây là mô hình mà ngành nông nghiệp tỉnh rất cần vì không chỉ phục vụ nhu cầu về phân bón cho ngành trồng trọt tại chỗ mà còn góp phần xử lý những phế thải trong nông nghiệp an toàn và bảo vệ môi trường.
Ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai chiếm tỷ trọng 8% GDP, với giá trị khoảng 43.000 tỷ. Chăn nuôi và trồng trọt là những thế mạnh của tỉnh. Trong thời gian tới, khi TP.HCM tiếp tục quá trình đô thị hóa nhanh chóng, đây là một thị trường sát bên vô cùng lớn với nhu cầu sản phẩm hữu cơ, nhu cầu ăn sạch, nhu cầu ăn ngon rất cao. Nếu Đồng Nai phát triển nông nghiệp hữu cơ với các sản phẩm nông sản sạch sẽ rất thuận lợi trong phân phối, tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, khi sân bay quốc tế Long Thành hoàn thành, việc cung cấp dịch vụ thực phẩm hậu cần cho sân bay này hoặc đáp ứng nhu cầu xuất khẩu cũng khả thi, do sản phẩm nông sản hữu cơ đáp ứng được các tiêu chí khắt khe của nước ngoài. Tỉnh Đồng Nai cũng đang tính đến khả năng giúp hơn 700.000 công nhân các khu công nghiệp tiếp cận được nguồn thực phẩm sạch từ nông nghiệp hữu cơ.
Đồng Nai có những khu vực trồng trọt quy mô lớn như chuối, sầu riêng, hồ tiêu… Chỉ tính riêng diện tích trồng tiêu tập trung đã lên 9.000 đến 12.000ha nhu cầu sử dụng phân bón là rất lớn. Tỉnh Đồng Nai cũng mong muốn phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm triển khai các mô hình nông nghiệp hữu cơ, để những mô hình này tiếp cận đến trực tiếp người dân. Những doanh nghiệp lớn, có tâm, có tầm như Quế Lâm sẽ giúp hình thành nên chuỗi nông nghiệp hữu cơ với những sản phẩm có thể tiếp cận thị trường quốc tế, với quy mô hàng hóa, giá thành cạnh tranh. Làm sao để nông dân được hưởng lợi, doanh nghiệp được hưởng lợi, tỉnh Đồng Nai cũng được hưởng lợi từ hoạt động này cũng chính là điều trăn trở của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Việt Nam Nguyễn Xuân Cường, hệ sinh thái nông nghiệp của Quế Lâm có thể được xem là một hình mẫu của kinh tế tuần hoàn trong khu vực nông nghiệp, giải đáp hữu hiệu 3 bài toán khó về ngành chăn nuôi là dịch bệnh, môi trường và hiệu quả kinh tế. Ông Cao Xuân Sỹ – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cũng khẳng định Quế Lâm đã “định hình một lối đi riêng trong nông nghiệp”. Điều này thể hiện rõ nhất trong đợt dịch tả lợn châu Phi, trong khi ngành chăn nuôi thiệt hại nặng thì các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học của doanh nghiệp vẫn trụ vững và tăng trưởng. |
TUẤN ANH (Nguồn: Nông Thôn Việt)