Ngày 2/6, tại xã Minh Hoá, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình, Công ty TNHH MTV Quế Lâm Miền Trung, phối hợp với Trung tâm khuyến Nông – Khuyến Ngư tỉnh Quảng Bình, tổ chức hội nghị đầu bờ mô hình sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ khoáng Quế Lâm sản xuất giống lạc L27 và L14 trong vụ Đông – Xuân 2016 – 2017.
Thời tiết đầu năm 2017 tại huyện Minh Hoá không thuận lợi do mưa nhiều, độ ẩm trong đất cao, do vậy việc triển khai mô hình trồng lạc chậm khoảng 20 ngày so với dự kiến xuống giống ban đầu vụ Đông – Xuân 2016 – 2017. Giống lạc L27 và L14 sử dụng phân bón Quế Lâm được đưa vào trồng thí điểm tại 2 huyện Minh Hoá và Tuyên Hoá với giống L27 trồng 3 ha tại xã Minh Hoá và thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa, giống L14 trồng 2.500 m2 tại
huyện Minh Hoá, 3.000 m2 tại huyện Tuyên Hoá.
Trong quá trình triển khai mô hình, cán bộ kỹ thuật Công ty Quế Lâm miền Trung cùng cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông huyện Minh Hóa đã theo dõi kiểm tra sát sao để chỉ đạo trồng, chăm bón, sử dụng các loại phân bón Quế Lâm cho bà con nông dân tham gia mô hình.Tại thời điểm hội nghị đầu bờ, 15 ngày trước vụ thu hoạch, kết quả khảo nghiệm cho thấy giống lạc L27 và L14 khi sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh và hữu cơ khoáng Quế Lâm cho năng suất đạt trung bình 29,5 tạ /ha, cao hơn giống lạc địa phương canh tác theo phương pháp truyền thống của nông dân địa phương khoảng 10 tạ/ha.
So với lô đối chứng của nông dân địa phương khi sử dụng giống lạc L27, L14 bón phân theo truyền thống, năng suất mô hình vẫn cao hơn 10 tạ/ha. Chi phí thâm canh của mô hình cao hơn giống lạc địa phương khoảng 1 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí, nông dân tham gia mô hình lãi khoảng 20 triệu đồng/ha, cao hơn giống lạc địa phương khoảng 14 triệu đồng/ha với hình thức canh tác thông thường.
Thu hoạch thử nghiệm giống lạc tại hội nghị đầu bờ
Ngoài ra, hai giống lạc L27, L14 khi sử dụng phân bón hữu cơ sinh học, hữu cơ khoáng Quế Lâm, còn có ưu thế vượt trội đó là thân cây cao 0,5 m, lá xanh, nên khi thu hoạch còn tận dụng làm thức ăn cho gia súc và phân bón. Cây lạc chống chịu sâu bệnh tốt, khi thu hoạch lạc dễ nhổ, đất tơi xốp, góp phần bảo vệ môi trường, tạo ra các sản phẩm nông sản sạch, phù hợp với điều kiện khí hậu nông hoá thổ nhưỡng tại nhiều địa phương của tỉnh Quảng Bình. Tại hội nghị đầu bờ, các cán bộ khuyến nông địa phương rất tâm đắc với năng suất, chất lượng tốt của lạc sau khi thu hoạch và mong muốn sẽ được nhân rộng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
HỒ ĐĂNG KHOA