SƠN LA KÝ HỢP TÁC VỚI TẬP ĐOÀN QUẾ LÂM LÀM NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ

Bằng việc bắt tay với một doanh nghiệp hàng đầu về các sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh, nông sản hữu cơ, Sơn La đang thể hiện quyết tâm thực hiện cuộc cách mạng ở nơi từng được xem là “rốn” thuốc BVTV và phân bón hóa học…

KHI BÍ THƯ, CHỦ TỊCH TỈNH ĐI TÌM NHÀ ĐẦU TƯ…

Theo thống kê, tỉnh Sơn La hiện có 51.000 ha cây ăn quả, sản lượng khoảng 280.000 tấn hàng năm (bao gồm 9.000 ha xoài, 11.756 ha nhãn, 1.500 ha chanh leo, 13.000 ha cà phê, 4.357 ha chè…). Chỉ trong vòng 2 năm vừa qua, mỗi năm Sơn La trồng mới 11.000 ha cây ăn quả nhưng lượng xuất khẩu mới chỉ đạt mức 20.000 tấn (khoảng 8% tổng sản lượng). Vấn đề dư lượng thuốc BVTV trong sản phẩm nông nghiệp, sử dụng quá nhiều phân bón vô cơ và tập quán canh tác kiểu cũ, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng vẫn đang còn nhức nhối ở địa phương này.

Lãnh đạo tỉnh Sơn La quyết tâm làm nông nghiệp hữu cơ

Chính vì vậy suốt thời gian qua, Sơn La miệt mài tìm nhà đầu tư cho mục tiêu: Bằng mọi giá phải xây dựng nền nông nghiệp dịch chuyển mạnh sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Minh chứng cho sự quyết tâm này là giữa tháng 9 vừa rồi, đích thân Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Văn Chất, Chủ tịch UBND tỉnh Cầm Ngọc Minh dẫn đầu đoàn công tác bao gồm hầu hết các sở, ban, ngành và lãnh đạo nhiều huyện thị vào tận tỉnh Thừa Thiên Huế tìm hiểu các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ mà Tập đoàn Quế Lâm đang thực hiện.

Ông Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La khẳng định: Sơn La là một tỉnh miền núi có tỷ lệ hộ nghèo còn trên 29%. Tuy nhiên vẫn có những lợi thế riêng đó là hệ thống giao thông không còn khó khăn như trước, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật đang được chú trọng và diện tích đất canh tác rất rộng lớn.

“Điều cần thiết của Sơn La bây giờ chính là hợp tác với những doanh nghiệp hàng đầu về lĩnh vực hữu cơ. Bởi canh tác ở miền núi chủ yếu trên địa hình đất dốc, càng canh tác trên đất dốc thì cần phải giảm lượng phân vô cơ và sử dụng phân hữu cơ. Nói cách khác, bây giờ Sơn la xác định, muốn phát triển bền vững phải sản xuất nông nghiệp hữu cơ”.

Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, thực tế đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên, mong mỏi của chính quyền cũng như người dân Sơn La là cần có một liên kết chuỗi, đặc biệt là lĩnh vực hữu cơ. Bởi chỉ có sản xuất nông nghiệp hữu cơ mới thực sự bền vững.

Đặc biệt, trong quá trình tìm hiểu, Sơn La nhận thấy Tập đoàn Quế Lâm là doanh nghiệp chuyên sử dụng những sản phẩm phụ của ngành nông nghiệp để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, giải quyết tối ưu bài toán môi trường… Hiện trên địa bàn Sơn La đang có những nguyên liệu có thể thể sản xuất phân hữu cơ vi sinh tốt như bã mía, phân bò, vỏ canh leo, vỏ cà phê, bã nhà máy chế biến tinh bột sắn… Chính vì vậy, Sơn La kỳ vọng, trong thời gian tới, Tập đoàn Quế Lâm có thể nghiên cứu, xây dựng nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ tại tỉnh này để phục vụ diện tích cây trồng đang liên tục mở rộng.

Lãnh đạo Tập Đoàn Quế Lâm khảo sát đầu tư tại Sơn La

Sau chuyến công tác tại Thừa Thiên Huế, gần như ngay lập tức lãnh đạo tỉnh Sơn La đã mời Tập đoàn Quế Lâm lên Sơn La khảo sát tình hình. Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Quế Lâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam cùng đoàn công tác bao gồm nhiều lãnh đạo và các nhà khoa học của tập đoàn đã đi thăm mô hình trồng cam tại xã Mường Thải và cánh đồng lúa Mường Tấc, huyện Phù Yên; thăm khu nuôi bò sữa của Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu và mô hình trồng rau an toàn của HTX sản xuất rau an toàn bản Tự Nhiên, xã Đông Sang (Mộc Châu); thăm Nhà máy Mía đường Sơn La, Nhà máy tinh bột sắn Sơn La, Khu công nghiệp Mai Sơn và các mô hình trồng cây ăn quả ở huyện Mai Sơn…

Ông Lam cho rằng, với quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, cũng như tiềm năng còn rộng lớn của Sơn La, đặc biệt là phát triển nông nghiệp hữu cơ để xây dựng thương hiệu, hướng tới tiêu thụ, xuất khẩu. Tuy nhiên, người đứng đầu Tập đoàn Quế Lâm khẳng định: Điều cốt lõi trong quá trình hợp tác là thái độ, tư duy của lãnh đạo địa phương nhìn nhận về nông nghiệp hữu cơ như thế nào và vấn đề xây dựng lòng tin lẫn nhau.

“Vấn đề quan trọng nhất là xây dựng lòng tin. Bởi thực tế hiện nay, lòng tin giữa người dân với doanh nghiệp, giữa người tiêu dùng với người sản xuất đang ở mức báo động. Chúng ta kêu gọi, hô hào liên kết 4 nhà nhưng thực tế đang diễn ra là 4 nhà đi 4 đường nên điều cốt lõi là xây dựng được lòng tin với nhau, để cùng nhau đi trên một con đường. Chính vì vậy, quan điểm của chúng tôi khi hợp tác với các địa phương là chỉ khi nào ý chí lãnh đạo tỉnh đồng hành với doanh nghiệp, đồng hành với người nông dân, đồng hành với nhà khoa học thì lúc ấy mới có thể hướng đến một nền nông nghiệp hữu cơ. Bởi vì mấu chốt của nông nghiệp hữu cơ là phải kéo được người dân đi chung đường với mình. Mà điều này thì cần sự liên kết, sự chung tay chung sức thật sự”.

CÙNG HƯỚNG VỀ NGƯỜI NÔNG DÂN

Nội dung Biên bản thỏa thuận hợp tác hợp tác giữa tỉnh Sơn La và Tập đoàn Quế Lâm gồm: Rà soát quy hoạch, định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với sản xuất, chế biến và tiêu thụ trong nước, tiến tới xuất khẩu; hợp tác đào tạo tập huấn cho cán bộ và nông dân tham gia về quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hướng dẫn nông dân sử dụng có hiệu quả các loại phân bón hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ khoáng, các chế phẩm sinh học mang thương hiệu Quế Lâm trong sản xuất nông nghiệp; hợp tác xử lý các chất phế thải chăn nuôi trên địa bàn để hạn chế ô nhiễm môi trường và làm vùng nguyên liệu, phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh; nghiên cứu đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến phân hữu cơ vi sinh tại Khu công nghiệp Mai Sơn, công suất 200.000 tấn/năm giai đoạn 2019-2022…

Tỉnh Sơn La và Tập Đoàn Quế Lâm ký kết hợp tác

Trên cơ sở hợp tác, Sơn La mong muốn Tập đoàn Quế Lâm tư vấn giúp tỉnh rà soát quy hoạch, định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với sản xuất, chế biến và tiêu thụ trong nước, tiến tới xuất khẩu; khảo sát, nghiên cứu đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến phân bón hữu cơ vi sinh tại Khu công nghiệp Mai Sơn với công suất 200.000 tấn/năm; liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản hữu cơ tại Sơn La; liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ thịt bò hữu cơ tại các huyện: Thuận Châu, Mai Sơn, Mộc Châu; nghiên cứu, đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống siêu thị giới thiệu và bán các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của tỉnh tại thị trường trong và ngoài tỉnh…

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Văn Chất cam kết, tỉnh Sơn La sẽ tạo điều kiện để Tập đoàn Quế Lâm được hưởng các ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và thường xuyên phối hợp giải quyết nhanh, kịp thời các vướng mắc phát sinh; tạo điều kiện cho Tập đoàn Quế Lâm liên kết với các doanh nghiệp và các hợp tác xã sản xuất, kinh doanh trên địa bàn…

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm Nguyễn Hồng Lam xem việc ký kết này là một trọng trách lớn mà lãnh đạo và nhân dân Sơn La gửi gắm. Trước mắt Quế Lâm và Sơn La sẽ bắt tay công tác tuyên truyền để thay đổi tư tưởng của người dân, để người dân nhận thức được tầm quan trọng, lợi ích của sản xuất hữu cơ. Tiếp đó sẽ lựa chọn bước đi phù hợp, hợp tác từng mô hình…

(Theo PV – Báo Nông nghiệp Việt Nam)