Cập nhật: 14/11/2012 01:49
Đề tài khoa học cấp nhà nước “Nghiên cứu, sản xuất phân hữu cơ vi sinh đa yếu tố đặc chủng cho cây cao su vùng Tây Bắc từ than bùn và phế phụ phẩm nông nghiệp” vừa được Bộ Khoa học & Công nghệ phê duyệt thực hiện trong năm 2010.
Đề tài khoa học cấp nhà nước “Nghiên cứu, sản xuất phân hữu cơ vi sinh đa yếu tố đặc chủng cho cây cao su vùng Tây Bắc từ than bùn và phế phụ phẩm nông nghiệp” vừa được Bộ Khoa học & Công nghệ phê duyệt thực hiện trong năm 2010.
Đơn vị chủ trì là Viện Thổ nhưỡng Nông hoá (Viện KHNN Việt Nam – Bộ NN-PTNT), Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm phối hợp thực hiện, với kinh phí hỗ trợ đầu tư nghiên cứu 1 tỉ đồng.
Được biết, Tập Đoàn Quế Lâm là một doanh nghiệp chuyên sản xuất phân bón hữu cơ sinh học theo quy trình công nghệ của Canada. 8 tháng đầu năm Tập Đoàn Quế Lâm cũng đã cung cấp hơn 3000 tấn phân bón cho các Công ty cao su ở Tây Bắc. Bước đầu cho thấy sản phẩm đạt hiệu quả tốt trên cây cao su.
Một phân xưởng sản xuất phân hữu cơ sinh học của Tập đoàn Quế Lâm tại Phía Bắc
Trao đổi với PV, Chủ nhiệm đề tài, TS. Lê Như Kiểu cho hay: Trên cơ sở mục tiêu nói trên, đề tài hướng đến những nội dung: nghiên cứu bộ chủng vi sinh vật phù hợp với yêu cầu sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh cho cây cao su; nghiên cứu và xây dựng quy trình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh đa yếu tố đặc chủng có chất lượng cao cho cây cao su tại Tây Bắc; sản xuất 150 tấn phân hữu cơ vi sinh đa yếu tố đặc chủng, dễ sử dụng và tăng năng suất mủ cây sao su ≥ 15%; xây dựng thành công quy trình sử dụng phân hữu cơ vi sinh đa yếu tố.
Theo Quy hoạch phát triển cây cao su đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2020, toàn vùng Tây Bắc sẽ có 50.000 ha. Chủ trương đưa cây cao su lên Tây Bắc đã được lãnh đạo và bà con nhân dân các địa phương hồ hởi đón nhận, với niềm tin loại cây này sẽ trở thành cây kinh tế mũi nhọn trong quá trình xoá đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển toàn vùng Tây Bắc. Trên cơ sở quỹ đất của mình, hiện các địa phương trong vùng đang nỗ lực xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện trồng mới.
Cùng với mục tiêu đưa cây cao su lên vùng Tây Bắc, yêu cầu đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, kĩ thuật mới để phát huy hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này đang là nhiệm vụ lớn đặt ra. Do vậy, đề tài nghiên cứu của Viện Nông hoá Thổ nhưỡng có ý nghĩa quan trọng. TS. Lê Như Kiểu cho hay: Về mặt khoa học, đề tài hướng đến mục tiêu sử dụng công nghệ vi sinh để xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp (thân lá ngô, rơm rạ, thân đậu tương, thân lạc) thành chất hữu cơ quan trọng cho sản xuất phân bón.
Đưa ra được những quy trình sản xuất các loại phân hữu cơ chuyên dụng cho từng giai đoạn của cây cao su trên cơ sở các loại hữu cơ có sẵn của địa phương và các chủng vi sinh vật hữu hiệu (có khả năng phân giải cenlulo, cố định nitơ, phân giải lân, kích thích sinh trưởng và đối kháng bệnh); về thực tiễn, đề tài thành công sẽ tạo ra sản phẩm phân bón chất lượng cao (tăng khả năng hấp thu lân, kali của cây cao su, tăng năng suất, chất lượng cao su và không ảnh hưởng xấu tới môi trường, hạn chế một số bệnh chính – tạo độ phì nhiêu và ổn định sức khỏe đất) cho cây cao su vùng Tây Bắc, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế cho người trồng cao su, giải quyết vấn đề tồn dư phế phụ phẩm nông nghiệp, bảo vệ môi trường…
Theo báo NNVN