Với công nghệ vi sinh độc quyền, những mô hình của Tập đoàn Quế Lâm triển khai đang trở thành trường học của người nông dân và nhiều địa phương.
Chuyển giao mô hình đến các hợp tác xã
Chỉ trong vài ngày, Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt và Thứ trưởng Bộ NN-PNT Trần Thanh Nam lần lượt thị sát tổ hợp 4F và các mô hình nông nghiệp tuần hoàn của Tập đoàn Quế Lâm ở Thừa Thiên – Huế. Thực tiễn ở đây cho thấy, khát vọng về mục tiêu lan tỏa các mô hình nông nghiệp không bỏ đi bất cứ thứ gì đang dần trở thành hiện thực.
Sau hơn một năm ra mắt, bất chấp những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F (Farm – Food – Feed – Fertilizer) đầu tiên của Việt Nam, công trình tiên tiến nhất của Tập đoàn Quế Lâm đã không chỉ là trường học đào tạo người nông dân liên kết với Quế Lâm thực hiện các mô hình nông nghiệp tuần hoàn mà còn là địa chỉ để nhiều địa phương đến tham quan học tập.
Với công nghệ men vi sinh chuyển giao độc quyền từ Nhật Bản, cốt lõi của nông nghiệp tuần hoàn, cùng với phương pháp nghiên cứu, thử nghiệm trong hàng chục năm trời của Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Hồng Lam và cộng sự, đến giờ phút này có thể khẳng định những hạng mục của Tổ hợp 4F đã giúp Tập đoàn Quế Lâm chủ động hoàn toàn đầu vào của các mô hình nông nghiệp tuần hoàn.
Trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học với công nghệ lõi men vi sinh đã đi vào hoạt động với quy mô hàng trăm lợn nái và 10 nghìn con lợn hậu bị phục vụ tái đàn và phát triển đàn cho các nông hộ tham gia mô hình liên kết. Nhà máy sản xuất men vi sinh, thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ vi sinh, sản xuất tinh lợn đang dần hoàn thiện để khép kín và chủ động toàn bộ các khâu trong chuỗi liên kết nông nghiệp tuần hoàn.
Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Trần Thanh Nam và đoàn công tác của Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Hồng Lam chia sẻ, thực tế chứng minh công nghệ vi sinh đã giải quyết được đầu vào cho cây trồng, vật nuôi, nền tảng của nông nghiệp tuần hoàn. Từ thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học đến vấn đề xử lý rơm rạ, chất thải đều được hoàn thiện quy trình kỹ thuật để đầu ra của chăn nuôi là đầu vào của trồng trọt và ngược lại.
Hơn ai hết, những mô hình nông nghiệp tuần hoàn đã thành công và đang lan tỏa mạnh mẽ ở Thừa Thiên – Huế là minh chứng rõ nét nhất. Đến nay các nông hộ liên kết với Quế Lâm đã chạm mốc hàng trăm con lợn nái và hàng trăm nghìn con lợn thịt tạo thành chuỗi thịt lợn. Mỗi vụ lúa có trên 300ha tại 11 hợp tác xã liên kết với Quế Lâm tạo thành chuỗi lúa gạo. Trước những biến động thị trường, thiên tai dịch bệnh, thu nhập người nông dân luôn đảm bảo ở mức cao hơn 15 – 30% so với thông thường. Những mô hình trồng trọt, chăn nuôi liên tục mở rộng khắp thành phố và các huyện thị, vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu tương cũng đã được xây dựng rộng rãi ở các huyện A Lưới, Quảng Điền… Mục tiêu liên kết để xây dựng tỉnh Thừa Thiên – Huế trở thành cái nôi của những mô hình nông nghiệp tuần hoàn, chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp đang ngày một đến gần hơn.
Một trong những học viên được Quế Lâm đào tạo xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn thành công là gia đình bà Trần Thị Huệ ở thôn Bình Sơn, xã A Ngo, huyện A Lưới. Từ chỗ chăn nuôi liên tục bị thất bại bởi dịch bệnh và thị trường, sau khi liên kết với Tập đoàn Quế Lâm, hai năm nay gia đình bà Huệ luôn có thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ chăn nuôi và lãi ra một khoản không nhỏ từ công nghệ sử dụng đệm lót chăn nuôi làm phân bón.
Cũng giống như bà Huệ, 40 mô hình chăn nuôi liên kết khác ở các huyện, thị, thành phố Huế đồng hành với Quế Lâm nhiều năm qua đều đã định hình rõ kinh tế nông nghiệp tuần hoàn. Bây giờ, hàng tuần, hàng tháng đều có những hộ dân từ các vùng miền về học tập tại Tổ hợp 4F.
“Hơn 10 năm Tập đoàn Quế Lâm và tỉnh Thừa Thiên – Huế thực hiện các mô hình liên kết, chúng tôi luôn chọn bước đi phù hợp, xây dựng lòng tin bằng thực tiễn, không vội vàng. Nhưng ở thời điểm này tôi nghĩ không thể chậm trễ được nữa. Thực tiễn các mô hình đã khẳng định, chủ trương phát triển đã có và phù hợp với xu thế của thế giới, thị trường cần, vấn đề là chính sách, cách thức tổ chức để lan tỏa các mô hình nhanh và hiệu quả nhất”, ông Nguyễn Hồng Lam nói.
Đồng ý với quan điểm của Chủ tịch Quế Lâm, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, với thực tiễn các mô hình liên kết ở Thừa Thiên – Huế thì điều ông tâm đắc nhất là kinh tế nông nghiệp tuần hoàn đã định hình rõ: Đã đến lúc phải coi phế phụ phẩm trong nông nghiệp là một tài nguyên, đầu ra lĩnh vực này là đầu vào của lĩnh vực khác mới thực sự là nông nghiệp tuần hoàn. Những nghiên cứu, cơ sở khoa học trong các mô hình liên kết Tập đoàn Quế Lâm thực hiện đã chứng minh được điều đó.
Để nhân rộng các mô hình, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, song song với việc liên kết nông hộ cần phải chuyển giao mô hình nông nghiệp tuần hoàn của Tập đoàn Quế Lâm đến các hợp tác xã.
“Bộ NN-PTNT sẽ đồng hành với Quế Lâm xây dựng các mô hình liên kết với hợp tác xã, tổ chức lại sản xuất cả trên trồng trọt và chăn nuôi. Có thể làm điểm ở Thừa Thiên – Huế và lấy đó làm bàn đạp nhân rộng ra các tỉnh thành khác. Trên cơ sở thực hiện các dự án hợp tác và chuyển giao sẽ xây dựng và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp hữu cơ không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn hướng tới mục tiêu xuất khẩu”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.
Bộ trưởng Bộ KHCN thán phục nông nghiệp tuần hoàn của Quế Lâm
Sau Bộ NN-PTNT, đoàn công tác của Bộ KHCN cũng đã thị sát tổ hợp 4F và các mô hình nông nghiệp tuần hoàn của Tập đoàn Quế Lâm. Tận mắt chứng kiến toàn bộ quy trình nông nghiệp tuần hoàn ở tỉnh Thừa Thiên – Huế, Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt nói rằng ông thực sự tâm đắc và cảm thấy thán phục.
“Tôi đã tham quan nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ nhưng thực sự tâm đắc và thán phục những mô hình liên kết mà ông Nguyễn Hồng Lam và Quế Lâm xây dựng. Có thể nói rằng đây chính là mô hình thể hiện triết lý kinh tế nông nghiệp tuần hoàn rõ nét nhất”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt chia sẻ.
Cũng theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định vai trò và sự đổi mới sáng tạo của KHCN chính là khâu đột phá, nền tảng quan trọng để Việt Nam trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045. Để hiện thực được khát vọng thịnh vượng như mục tiêu Đảng đã đề ra thì phải xem doanh nghiệp là trung tâm của quá trình đổi mới sáng tạo đó.
Tỉnh Thừa Thiên – Huế là một địa phương có những đổi mới ứng dụng khoa học học công nghệ mạnh mẽ với khát vọng trở thành trung tâm khoa học công nghệ của miền Trung, muốn như vậy thì phải có những doanh nghiệp tiên phong ứng dụng công nghệ như Tập đoàn Quế Lâm.
“Nghiên cứu dựa trên khoa học, chứng minh bằng thực tiễn, những mô hình của Quế Lâm cần sớm được phổ biến rộng rãi. Bởi thực tiễn cho thấy những mô hình này là sinh kế, là phương thức phát triển sản xuất của nông hộ, hợp tác xã, phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp bền vững.
Về phía Bộ KHCN chúng tôi đã có những hỗ trợ và cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng với Tập đoàn Quế Lâm nhằm mục đích tạo ra những sản phẩm khoa học công nghệ có thể ứng dụng vào thực tiễn sản xuất như các mô hình mà Quế Lâm đang thực hiện. Đặc biệt là đồng hành cùng với Tập đoàn Quế Lâm thực hiện khát vọng lớn không chỉ ở góc độ phát triển kinh tế xã hội và còn tạo ra những sản phẩm mang chất của KHCN Việt Nam chúng ta”, Bộ trưởng KHCN Huỳnh Thành Đạt khẳng định
Nguồn: Hoàng Anh – Tiến Thành- Báo Nông Nghiệp