NÔNG SẢN VIỆT: ‘Đạo’ làm nông nghiệp của những người tử tế [Bài 1]: Cuộc cách mạng mới trên quê hương khoán hộ

Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ và những thành tựu đạt được có thể coi là cuộc cách mạng mới trên quê hương khoán hộ.

LTS: Bộ trưởng Lê Minh Hoan từng nói, làm nông nghiệp hữu cơ là câu chuyện của những người làm nông nghiệp tử tế. Thực hiện Quyết định 885/QĐ-TTg về Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030, những người làm nông nghiệp tử tế đang đưa nông nghiệp hữu cơ trở thành “đạo” làm nông nghiệp ở Việt Nam. 

Tôi cùng với ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT và ông Nguyễn Hoàng Dương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc hết đi những vùng trồng su su hữu cơ ở huyện Tam Đảo lại đi sang vùng lúa ở huyện Bình Xuyên, những mô hình chăn nuôi an toàn sinh học ở huyện Yên Lạc, Tam Dương, Sông Lô, Lập Thạch… Nơi đâu cũng là những mô hình nông nghiệp hữu cơ, VietGAP, những mô hình nông nghiệp kiểu mới. Cả ông Dũng và ông Dương đều nói, đó là thành tựu của cuộc cách mạng mới, bắt đầu từ sự thay đổi tư duy nông nghiệp mang lại.

Theo ông Lê Văn Dũng (thứ 2 từ phải sang), Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc, nông nghiệp hữu cơ là cuộc cách mạng mới trên quê hương khoán hộ. Ảnh: Hoàng Anh.Theo ông Lê Văn Dũng (thứ 2 từ phải sang), Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc, nông nghiệp hữu cơ là cuộc cách mạng mới trên quê hương khoán hộ. Ảnh: Hoàng Anh.

“Với khoảng hơn 70% dân số sống ở khu vực nông thôn, diện tích đất nông nghiệp trên 80.000ha, nông nghiệp, nông thôn Vĩnh Phúc vẫn giữ vị trí quan trọng và luôn cần sự hỗ trợ để nâng cao thu nhập cho nông dân, đảm bảo an sinh xã hội. Làm thế nào để phát triển nông nghiệp bền vững là sứ mệnh không chỉ của ngành nông nghiệp mà còn của cả hệ thống chính trị tỉnh Vĩnh Phúc”, ông Lê Văn Dũng chia sẻ.

Và lời giải những bài toán ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc chính là nông nghiệp hữu cơ.

Trước khi Chính phủ có Quyết định 885/QĐ-TTg về phát triển nông nghiệp hữu cơ, Vĩnh Phúc có lẽ là một trong những tỉnh đi đầu ban hành các chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ. Đến năm 2021, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ trên diện tích 3.300ha lúa, rau, quả các loại và 5 cơ sở chăn nuôi lợn thịt với quy mô 900 con. Hàng loạt chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ tiếp tục được ban hành.

Một trong những thay đổi rõ nét nhất là ở HTX Rau an toàn Vĩnh Phúc, xã Kim Long (huyện Tam Dương). Giám đốc HTX, chị Kiều Thị Huệ là một kỹ sư còn khá trẻ, sinh năm 1984, vốn là cán bộ hợp đồng của Chi cục BVTV Vĩnh Phúc, sau đó bỏ ngang để thành lập HTX nông nghiệp từ năm 2014. Mục tiêu là thay đổi tư duy, tập quán nông dân, tạo thành cộng đồng sản xuất rau an toàn bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường, quản lý theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ…

Mô hình trồng lúa hữu cơ hiệu quả cao ở huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Huy Bình.Mô hình trồng lúa hữu cơ hiệu quả cao ở huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Huy Bình.

Lẽ tất nhiên, sứ mệnh đó chẳng dễ dàng gì, nhất là với con đường làm nông nghiệp hữu cơ. Nông dân đã quá quen với tập quán canh tác kiểu cũ, quen với việc sử dụng phân bón vôn cơ, thuốc BVTV hóa học từ bao đời nay, quen cả với những bấp bênh thị trường, vận động thay đổi không thể chỉ trong ngày một ngày hai có thể thành công. Phải mất mấy năm trời, từ 7 thành viên ban đầu, HTX Rau an toàn Vĩnh Phúc mới có thể chứng minh được hiệu quả.

Bây giờ, những thành viên của HTX Rau an toàn Vĩnh Phúc đã là đối tác của nhiều doanh nghiệp phân phối thực phẩm cho các bếp ăn trường học và bếp ăn công nghiệp, toàn bộ sản phẩm của các hộ liên kết sản xuất cho HTX đều được thu mua cao hơn từ 1.000 – 2.000 đồng/kg so với giá thị trường. Thu nhập của các thành viên đạt trung bình từ 5 – 6 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, HTX cung ứng ra thị trường từ 500 – 600 tấn rau an toàn với doanh thu từ 2 – 2,5 tỷ đồng.

“Điều quan trọng nhất là tư duy, tập quán canh tác của người dân đã thay đổi. Bà con thấy rõ lợi ích của nông nghiệp hữu cơ và cách làm nông nghiệp không chỉ trách nhiệm với người tiêu dùng mà còn là trách nhiệm với sức khỏe, môi trường sống của bản thân mình.

Các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã chứng minh được những lợi ích như môi trường nông nghiệp dần được cải thiện, cân bằng sinh thái trên đồng ruộng, sức khỏe của người sản xuất được đảm bảo, chất lượng sản phẩm đến người tiêu dùng đảm bảo an toàn. Nông nghiệp hữu cơ đang trở thành hệ sinh thái ở nhiều HTX ở Vĩnh Phúc”, Giám đốc HTX Rau an toàn Vĩnh Phúc nói.

Hệ sinh thái của những người làm nông nghiệp tử tế

Những chính sách đồng bộ, hỗ trợ trực tiếp người dân thay đổi tư duy thực sự đã tạo nên cuộc cách mạng mới về sản xuất nông nghiệp ngày càng rộng khắp ở Vĩnh Phúc. Từ trồng trọt, chăn nuôi đến nuôi trồng thủy sản…, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Anh.

Điển hình như các mô hình trồng thanh long ruột đỏ 10ha tại xã Vân Trục (Lập Thạch); mô hình trồng rau su su tại xã Hồ Sơn (Tam Đảo); trồng dưa lê tại xã Vân Hội (Tam Dương); sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị tại các xã Tân Phong, Phú Xuân (Bình Xuyên), Yên Phương (Yên Lạc), Đồng Ích (Lập Thạch), Duy Phiên (Tam Dương)… Mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ tại Thị trấn Đạo Đức (Bình Xuyên) quy mô 780 con/3 hộ; xã Minh Quang (Tam Đảo) 100 con/hộ; Thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương 20 con/hộ…

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc đúc kết, tất cả các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh đều chứng minh được hiệu quả rõ rệt cả về kinh tế, xã hội, môi trường. Năm 2021, Vĩnh Phúc đã cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh 50 nghìn tấn rau củ quả, hơn 1.000 tấn gạo, 200 tấn thịt lợn được sản xuất theo hướng hữu cơ và hữu cơ. Diện tích áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ và hữu cơ sử dụng khoảng 3.300 tấn phân bón hữu cơ vi sinh, qua đó giảm 1.500 tấn phân bón vô cơ và hơn 2.000 kg thuốc BVTV hóa học…

Điển hình như mô hình sản xuất lúa hữu cơ ở xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên cho kết quả lúa sinh trưởng khỏe, ít sâu bệnh, năng suất lúa trung bình đạt 60,6 tạ/ha. Hạch toán sản xuất lúa hữu cơ đầu tư cao hơn khoảng 20% so với lúa bón phân và sử dụng thuốc BVTV hóa học (khoảng 1.200 đồng/kg) nhưng sau khi trừ các chi phí, sản xuất lúa hữu cơ vẫn thu được lợi nhuận hơn 35,2 triệu đồng/ha, cao hơn sản xuất lúa sử dụng phân bón và thuốc BVTV hóa học hơn từ 4,6 – 5 triệu đồng/ha.

Trồng lúa hữu cơ thu nhập cao hơn sản xuất lúa thông thường 1,8 triệu đồng/ha. Ảnh: Huy Bình.Trồng lúa hữu cơ thu nhập cao hơn sản xuất lúa thông thường 1,8 triệu đồng/ha. Ảnh: Huy Bình.

Một sào (360m2) sản xuất rau bắp cải hữu cơ ở Vĩnh Phúc thu lãi cao hơn so với đối chứng 22,5 triệu đồng/ha. Trồng cải thảo cho lãi cao hơn đối chứng 23,7 triệu đồng/ha. Các loại cải ngọt, cải xanh cho thu lãi cao hơn đối chứng 15,5 triệu đồng/ha…

Trong lĩnh vực chăn nuôi, Vĩnh Phúc đã xây dựng các mô hình chăn nuôi sử dụng chế phẩm sinh học với quy mô 200.000 con gà, 10.000 con lợn, 300 con bò thịt… Chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ chính là giải pháp phát triển chăn nuôi ở Vĩnh Phúc.

Hơn ai hết, nông dân, những người trực tiếp chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ thấy rõ sự thay đổi.

Hộ ông Trần Văn Ba ở xã Minh Quang, huyện Tam Đảo nuôi gần 100 con lợn hữu cơ từ mấy năm nay, hiệu quả không chỉ lãi hơn 1,8 triệu đồng/con mà theo ông Quang, việc sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi giảm được mùi hôi, tiết kiệm nước và công lao động, đảm bảo an toàn dịch bệnh, đảm bảo tạo ra sản phẩm chăn nuôi an toàn… Ngoài ra, chất thải chăn nuôi qua xử lý làm phân bón hữu cơ để cải tạo đất, giảm hiện tượng đất bị thoái hóa, xói mòn, tạo thành hệ sinh thái nông nghiệp tuần hoàn từ chăn nuôi đến trồng trọt.

Hay như hộ bà Lê Thị Chín ở thôn Làng Hạ liên kết với Tập đoàn Quế Lâm thực hiện mô hình trồng su su trồng theo quy trình hữu cơ theo tiêu chuẩn “5 không”: Không thuốc diệt cỏ, không thuốc trừ sâu, không chất bảo quản, không chất kích thích sinh trưởng, không dư lượng hóa chất độc hại. Việc thay đổi tư duy, từ bỏ tập quán canh tác cũ để ứng dụng công nghệ vi sinh vào sản xuất đã mang lại những hiệu quả rõ rệt.

Từ trồng trọt đến chăn nuôi, nông nghiệp hữu cơ ngày càng lan tỏa ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Anh.Từ trồng trọt đến chăn nuôi, nông nghiệp hữu cơ ngày càng lan tỏa ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Anh.

Bà Chín chia sẻ, những ruộng su su canh tác theo phương pháp thông thường chỉ thu được 35 – 40kg/sào/lần hái thì ruộng su su của gia đình bà cho sản lượng từ 45 – 50kg. Với giá bán bình quân 14.000 đồng/kg, mỗi tháng có thể thu cả chục triệu đồng, mỗi vụ su su có thể thu hoạch kéo dài từ 7 – 8 tháng. Đặc biệt, canh tác theo mô hình hữu cơ, gia đình bà Chín đã tiết kiệm được chi phí đầu vào, giảm thiểu đầu tư.

Những mô hình nông nghiệp hữu cơ đang ngày càng lan tỏa ở Vĩnh Phúc. Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Dũng nói, ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc đang dần hoàn thiện một hệ sinh thái của những người làm nông nghiệp tử tế.

59 địa phương sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Trong năm 2021, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt và phối hợp với địa phương tổ chức triển khai xây dựng nhiều mô hình khuyến nông sản xuất hữu cơ như: Chăn nuôi lợn hữu cơ tại Thừa Thiên – Huế, Vĩnh Phúc; chăn nuôi gà hữu cơ tại Phú Thọ; sản xuất lúa hữu cơ tại Sơn La, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế; sản xuất chè hữu cơ tại Lào Cai; sản xuất măng tây hữu cơ tại Ninh Thuận, Bình Thuận; sản xuất cà phê hữu cơ tại Sơn La, Lâm Đồng; sản xuất phân bón hữu cơ tại Ninh Bình, Hà Nam, Hà Nội; thủy sản hữu cơ (mô hình tôm – lúa) tại Bạc Liêu, Kiên Giang…

Ngoài ra, một số địa phương cũng đã bước đầu triển khai quy hoạch vùng sản xuất hữu cơ và hỗ trợ ban đầu cho một số mô hình sản xuất hữu cơ, trong đó chủ yếu là các mô hình trồng trọt (lúa, chè, rau củ, trái cây…). Hầu hết các địa phương trên cả nước đã tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ hoặc theo hướng hữu cơ, tăng từ 46 địa phương trong năm 2018 lên đến 59 địa phương trong năm 2021.

Nguồn: Hoàng Anh – Huy Bình

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *