Gỡ nút thắt cho thị trường nông sản sạch

Nông sản an toàn Việt Nam cần có một hệ thống tiêu thụ sản phẩm để kết nối vùng, miền, từ địa phương đến Trung ương. Thị trường là mệnh lệnh của sản xuất, và khai thông được thị trường là động lực tốt nhất để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển một cách bền vững.

Để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất theo hình thái quy mô hàng hóa lớn cần phải gắn với chuỗi giá trị sản xuất có sức lan tỏa lớn. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần cho người dân, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững bắt đầu từ việc xây dựng các mô hình THT, HTX, LHHTX và Doanh nghiệp, Tổng Công ty kết nối từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Lĩnh vực nông nghiêp và tiêu thụ nông sản thực phẩm (đặc biệt là nông sản thực phẩm an toàn) là nhiệm vụ vô cùng gian nan khó khăn trong điều kiện tư duy sản xuất của đa phần người dân còn manh mún, nhỏ lẻ, cách tiếp cận, tư duy còn khác nhau. Trong khi đó lòng tin của người tiêu dùng về sản phẩm nông sản an toàn của Việt Nam còn thấp.

Hưởng ứng các phong trào, chính sách như: “Chương trình nói không với thực phẩm bẩn”, “Nông nghiệp sạch, con đường nông sản Việt” với mục tiêu “Nông nghiệp sạch Việt Nam cho người Việt Nam và cho thế giới”, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, đã quyết liệt trong chỉ đạo cũng như vận động các HTX  tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng các vùng nguyên liệu an toàn.

Đại diện cơ quan này đã trực tiếp làm việc với đại diện các tỉnh, thành địa phương và đại diện các thành phố trực thuộc Trung ương về chương trình phát triển kinh tế hợp tác, nòng cốt là HTX…Trong đó, tập trung vào xây dựng HTX kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương, quy hoạch vùng nguyên liệu sản phẩm chủ lực. Hiện nay, chương trình này đã xây dựng 27 chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực quy mô lớn như: Rau, củ, quả, bưởi da xanh, Chanh leo, Dừa, Tôm, Lợn, Gạo, Cà phê, Ca cao…đến nay đã có 63/63 tỉnh đăng ký sản phẩm chủ lực.

Hướng phát triển sắp tới là xây dựng các Liên hiệp hợp tác xã theo hướng liên kết vùng, liên vùng để dùng chung hạ tầng với quy mô lớn phát triển bền vững. Thành lập quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã các tỉnh bước đầu đạt kết quả khả quan và nhận được sự nhất trí cao từ các địa phương trên cả nước. Xây dựng 200 HTX kiểu mới theo Quyết định 445/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại Đồng Bằng Sông Cửu long. Xây dựng các mô hình HTX kiểu mới ở cấp xã, huyện, tỉnh và Quốc gia.

Để tạo dựng uy tín, tăng tính cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường cả trong và ngoài nước, mấu chốt là phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, cung ứng sản phẩm nông sản theo chuỗi an toàn thực phẩm. Đây là những phương án nhằm hiện thực hóa các chủ trương của Đảng và Nhà Nước về việc xây dựng chuỗi liên kết bền vững trong Sản xuất – Chế biến – Tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam, sớm khẳng định thương hiệu “Nông sản an toàn Việt Nam” đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Với mục tiêu và tiêu chí xuyên suốt, đồng nhất một loại giống, đồng nhất một công nghệ, đồng nhất một sản phẩm, vừa tập trung, vừa phân tán phù hợp từng vùng miền. Từ đó giúp nền nông nghiệp sản xuất của nước ta, đặc biệt là nền kinh tế hợp tác ngày càng phát triển nhanh, mạnh và bền vững với quy mô hàng hóa lớn chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường trong thời kỳ hội nhập.

Ảnh minh họa: Cần chuỗi liên kết để đưa nông sản sạch ra thị trường

Q.L