“Thay đổi hoặc là chết”…
Nhiều lần gặp ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An, trong những cuộc hội nghị, hội thảo, vẫn thường nghe ông chia sẻ về hành trình làm nông nghiệp tử tế. Dù hay than vãn đó là “cuộc cách mạng” hết sức gian truân, nhưng ông luôn bảo: Phải thay đổi chứ không có con đường nào khác.
Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An. Ảnh: Hoàng Anh.
“Nếu nhìn vào những con số thống kê thì không chỉ Long An mà nông nghiệp cả vùng ĐBSCL đều gặp phải bài toán giống nhau. Trong tổng số các sản phẩm phân bón lưu hành tại ĐBSCL, có đến 4.273 sản phẩm phân bón vô cơ, nhưng chỉ có 992 sản phẩm phân bón hữu cơ, trung bình mỗi ha gieo trồng ở đây sử dụng khoảng 1.071kg phân bón, cao hơn 42% so với trung bình cả nước.
Về thuốc BVTV, ĐBSCL sử dụng trung bình 6,27kg/ha gieo trồng, cao hơn trung bình cả nước khoảng 39,46%… Thực trạng ấy nếu không thay đổi, không có lời giải thì nông nghiệp ĐBSCL nói riêng, nước ta nói chung cứ mãi gặp phải các vấn đề về chi phí đầu vào, chất lượng nông sản, sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng. Và lời giải ở đây chính là nông nghiệp hữu cơ”, ông Nguyễn Quốc Trịnh chia sẻ.
Ông Trịnh là người đầu tiên ở xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành thay đổi. Châu Thành cùng với Tân Trụ là vùng trồng thanh long trọng điểm của tỉnh Long An với diện tích xấp xỉ gần 9.000ha. Những năm trước, theo lời ông Trịnh, vùng thanh long Châu Thành chủ yếu là lối canh tác “theo hướng hóa học” và đã gây ra không biết bao nhiêu hệ lụy.
Cây trái dịch bệnh dữ dằn, tuần nào cũng phải xịt thuốc hóa học để trị bệnh mủ dây, thối đầu cành, nấm trái… Gặp thời điểm mùa vụ, bà con phải đổ thuốc ra tay vuốt lên từng trái một theo yêu cầu của thương lái, cây trái nhiễm độc đã đành, sức khỏe người sản xuất cũng vì thế mà ảnh hưởng rất ghê gớm.
Mô hình trồng thanh long hữu cơ của ông Nguyễn Quốc Trịnh ở Long An. Ảnh: Hoàng Anh.
Năm 2018, ông Trịnh hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm trồng thanh long hữu cơ. Hành trình gian nan đến mức ông Trịnh nói rằng người không tâm huyết và không có tiền sẽ rất khó. Chuyển sang nông nghiệp hữu cơ nghĩa là từ bỏ hoàn toàn phân bón, thuốc BVTV hóa học. Cây thanh long ở Châu Thành vốn đã quá quen với những thứ đó, bây giờ ngưng lại cũng phải mất một hai năm mới có thể thích ứng. Cây có thể còi cọc hơn, năng suất có thể giảm một tý, nhưng ngược lại sau thời gian đó cây sẽ càng ngày càng khỏe, đến giờ hoàn toàn không còn bị sâu bệnh gì nữa.
Từ 400 trụ thanh long ruột tím trồng vào năm 2018, đến nay, mô hình của gia đình ông Trịnh đã mở rộng lên 2.400 trụ trên diện tích 3ha, sản lượng hàng năm khoảng 70 tấn. Với phương thức Quế Lâm giám sát toàn bộ quy trình kỹ thuật, vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 7 – 15%, chủ vườn trồng thanh long liên kết vừa nhàn nhã, an toàn hơn mà thu nhập cũng đảm bảo hơn.
Vụ năm nay tại vườn ông Trịnh, thanh long được bán giá 25.000 đồng/kg, một ha cho khoảng 20 – 30 tấn, trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận thu về gần 2 tỷ đồng. Ngoài diện tích liên kết trực tiếp với Quế Lâm, gia đình còn mở rộng thêm 2ha theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và trở thành mô hình trồng thanh long đạt chuẩn ở Châu Thành.
Ngày càng có nhiều hộ dân trồng thanh long hữu cơ ở Long An. Ảnh: Hoàng Anh.
Sau một vài vụ thành công, ông Trịnh đã vận động người trồng thanh long thay đổi và tham gia vào Hiệp hội thanh long Long An, nơi ông được bầu làm chủ tịch, tham gia vào các HTX trồng thanh long đạt chuẩn…
Mấy năm gần đây, sự khác biệt giữa trồng thanh long hữu cơ và truyền thống càng thấy rõ. Trước tình hình phức tạp của đại dịch Covid -19 và những biến động của thị trường, trong khi người trồng thanh long truyền thống gặp khó thì những vườn thanh long hữu cơ ở Châu Thành vẫn ung dung nhờ được bao tiêu và có thể xuất khẩu vào những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ…
Đó là những giá trị rõ rệt có thể cân đo đong đếm và Chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An cũng cho rằng, còn nhiều giá trị vô hình khác mà nông nghiệp hữu cơ mang lại.
Thanh long Châu Thành, Long An. Ảnh: Hoàng Anh.
“Áp dụng phương thức canh tác hữu cơ trên cây thanh long có thể thấy rõ cây phát triển đều, không sâu bệnh, năng suất ổn định, trái đều đẹp và đặc biệt với phương thức ko thuốc diệt cỏ, không phân bón hoá học, ko thuốc trừ sâu hóa học… đã tạo ra môi trường sản xuất trong lành, không còn nỗi lo bệnh tật do tiếp xúc với hóa chất độc hại. Trách nhiệm với người sản xuất, người tiêu dùng chính là “đạo” của những người làm nông nghiệp hữu cơ”, ông Nguyễn Quốc Trịnh nói.
Nông nghiệp hữu cơ lan rộng khắp miền Tây
Từ những mô hình liên kết như ông Nguyễn Quốc Trịnh ở Long An, nông nghiệp hữu cơ bây giờ giống như “kim chỉ nam” và đang ngày càng được nhân rộng ở nhiều tỉnh thành miền Tây. Những mô hình thành công trở thành HTX, liên hiệp HTX, trở thành cộng đồng của những người làm nông nghiệp tử tế. Đã có nhiều địa phương xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, ký kết hợp tác với các doanh nghiệp, xác định nông nghiệp hữu cơ là con đường tất yếu.
Ở Đồng Tháp, sau lễ ký kết hợp tác sản xuất nông nghiệp hữu cơ giữa UBND tỉnh Đồng Tháp và Quế Lâm, những mô hình đã được triển khai, tổng kết. Điển hình như mô hình sản xuất lúa tại HTX Nông nghiệp Phú Thọ với diện tích hơn 50ha với 41 hộ dân tham gia, không chỉ chứng minh được hiệu quả kinh tế mà còn bảo vệ môi trường, an toàn đối với sức khỏe người sản xuất. Đất đai được phục hồi toàn bộ vi sinh vật có lợi. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Phạm Thiện Nghĩa nói, đó là tiền đề để tạo ra một nền nông nghiệp có giá trị, tiêu chuẩn, không chỉ riêng với Đồng Tháp mà còn ở tầm quốc gia.
Những mô hình nông nghiệp hữu cơ ngày càng nhân rộng ở miền Tây Nam bộ. Ảnh: Hoàng Anh.
Ở Sóc Trăng, từ năm 2019, Tập đoàn Quế Lâm và các HTX, người dân triển khai thực hiện các mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại Thị xã Ngã Năm, đến nay đã nhân rộng lên 22ha; các mô hình trồng bưởi hữu cơ, hành tím hữu cơ, dưa hấu hữu cơ tại các huyện Long Phú, Trần Đề… Từ những mô hình đó, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã tuyên truyền, nhân rộng lên 15.426ha cây trồng hữu cơ và theo hướng hữu cơ.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, ông Trần Văn Lâu khẳng định, định hướng phát triển nông nghiệp Sóc Trăng thời gian tới là ưu tiên phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, trong đó sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp số…
Ông Lâu phân tích, Sóc Trăng là địa phương có thế mạnh về tôm và lúa. Diện tích lúa hàng năm trên 320.000ha, sản lượng trên 2 triệu tấn, trong đó lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm trên 70%. Diện tích sản xuất rau màu các loại trên 50.000ha/năm, diện tích cây ăn trái gần 30.000ha…Sóc Trăng ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: Hoàng Anh.
Tuy nhiên, giống như nhiều tỉnh thành khác ở vùng ĐBSCL, nông nghiệp Sóc Trăng đang đứng trước những tác động và thách thức rất lớn từ biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường, nguồn nước, đất đai bạc màu, suy giảm đa dạng sinh học, nguy cơ mất an toàn thực phẩm… Bên cạnh đó, nông nghiệp Sóc Trăng vẫn còn gặp khó khăn trong xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ, chưa có quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chưa có nhà máy sản xuất vật tư đầu vào, chế biến đầu ra.
Để giải quyết những bài toán này, ngoài các giải pháp trọng tâm, định hướng của tỉnh Sóc Trăng sẽ đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đó sẽ là bước đổi mới, phát triển bền vững ngành nông nghiệp, tăng giá trị sản phẩm nông sản, hình thành nền nông nghiệp có chuỗi giá trị gia tăng, không ngừng nâng cao đời sống của nông dân, bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân…
Xác định nông nghiệp hữu cơ chính là giải pháp lớn để hướng tới nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững, ngay sau khi hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm, Sóc Trăng cũng đã phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030. Tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 67 tỷ đồng.
Nông nghiệp hữu cơ đang dần trở phong trào rộng khắp miền Tây Nam bộ. Ảnh: Hoàng Anh.
Sóc Trăng đặt khát vọng, định hướng đến năm 2030, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ đạt trên 400ha, trong đó, diện tích được chứng nhận hữu cơ khoảng 370ha. Giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt hữu cơ có chứng nhận cao gấp 1,5 – 1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ, 100% sản phẩm sản xuất hữu cơ được quảng bá, bao tiêu…
Từ Long An, Sóc Trăng, Đồng Tháp…, khát vọng thay đổi, doanh nghiệp hạt nhân đóng vai trò dẫn dắt, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc đang đưa nông nghiệp hữu cơ thành cả một phong trào rộng khắp miền Tây Nam bộ.
Ông Nguyễn Thanh Vĩnh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Quế Lâm chia sẻ: Thông qua liên kết, hợp tác sản xuất với các HTX, đơn vị ở các tỉnh, Quế Lâm đã ban hành quy trình sản xuất gạo hữu cơ khép kín, an toàn và chất lượng cao; quy trình kỹ thuật chăn nuôi hữu cơ an toàn sinh học; ký kết hợp tác với các cơ quan ban ngành để giám sát, thực hiện “Quy trình chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, bền vững”.
Từ đó, nông nghiệp hữu cơ đang dần lan tỏa và thay đổi hoàn toàn tư duy, tập quán canh tác của nông dân để sản xuất theo tiêu chuẩn của thị trường. Hiệu quả rõ nhất đó là chênh lệch giá bán của sản phẩm giữa sản xuất bình thường và sản xuất theo hướng hữu cơ và hữu cơ luôn chênh nhau từ 7 – 10% (cây công nghiệp), từ 10 – 25% (cây ăn quả, rau màu và lúa), 15 – 20% đối với chăn nuôi lợn…