Khát vọng xây dựng thí điểm Làng nông nghiệp hữu cơ đang dần trở thành hiện thực ở tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Chìa khóa đưa Huế thành “kinh đô ẩm thực”
Năm 2019, tôi có dịp tháp tùng Bộ trưởng Bộ NN-PTN Nguyễn Xuân Cường kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở tỉnh Thừa Thiên – Huế. Thời điểm đó, địa phương nằm ở phía Bắc đèo Hải Vân này được chú ý bởi kỳ tích từ những mô hình chăn nuôi an toàn sinh học vượt qua “bão” dịch tả lợn Châu Phi.
Còn nhớ, sau những chuyến lên rừng, xuống biển, ông Nguyễn Xuân Cường đúc rút: Tạo hóa đất trời, ông cha đã hun đúc nên Thừa Thiên – Huế với rất nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, lịch sử, ẩm thực, du lịch… Toàn cây, con đặc sản, đặc hữu. Một di sản văn hóa đầy ắp, các thiết chế văn hóa đậm đặc kết hợp với đôi bờ sông Hương, nơi lưu giữ bao nguồn gen cây trồng vật nuôi đặc sản, là lợi thế làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp đặc hữu hiếm có địa phương nào có được.Những cánh đồng “3 không” gọi cá tôm về ở Thừa Thiên – Huế. Ảnh: Hoàng Anh.
Đây chính là tỉnh hoàn toàn phù hợp với định hướng tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng một nền nông nghiệp thông minh, đặc hữu, hữu cơ, nền nông nghiệp theo kinh tế tuần hoàn…
Trở lại cố đô lần này, ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT Thừa Thiên – Huế chia sẻ với tôi: Từ những quyết sách của Trung ương, sự quyết liệt, kiên trì của cả hệ thống chính trị và doanh nghiệp, đã từng bước giúp nông dân, HTX chuyển từ tập quán canh tác cũ sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp có trách nhiệm.
Thừa Thiên – Huế đã xây dựng thành công các chuỗi liên kết lúa gạo, chăn nuôi, cùng chuỗi hệ thống siêu thị nông sản hữu cơ, làm thay đổi nhận thức người tiêu dùng về sử dụng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm có chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Với việc còn lưu giữ hơn 200 món ăn cung đình và truyền thống dân gian được nâng lên thành văn hóa ẩm thực, nông nghiệp hữu cơ sẽ là “chìa khóa” để xây dựng Huế trở thành “kinh đô ẩm thực của Việt Nam”.
Quả thật, từ những mô hình liên kết nhỏ lẻ ban đầu, bây giờ, nông nghiệp hữu cơ đã lan tỏa khắp 6 huyện, 2 thị xã và Thành phố Huế. Tất các các địa phương đều có các mô hình phát triển nông nghiệp hữu cơ, từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản…, đặc biệt là những mô hình liên kết giữa doanh nghiệp – HTX – nông dân.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (thứ 3 từ phải sang) thăm mô hình HTX Phong Thu và tặng quà cho ông Nguyễn Văn Lịch. Ảnh: Hoàng Anh.
Từ mô hình liên kết trồng lúa hữu cơ thành công ở HTX Phù Bài (Thị xã Hương Thủy), phong trào liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhanh chóng lan tỏa đến HTX Đông Vinh, HTX Nông nghiệp Phú Thuận (huyện Quảng Điền), HTX An Lỗ, HTX Phong Thu (huyện Phong Điền), HTX Phú Lương, Phú Hồ, Phú Mỹ (huyện Phú Vang)…
Tổng cộng, đã có hơn 500ha diện tích canh tác hữu cơ và theo hướng hữu cơ, trong đó có 330ha lúa và rau, chăn nuôi lợn hữu cơ 3.000 con/năm và gia cầm 1.000 con/ năm. Có 2 Chứng nhận hữu cơ do Tổ chức chứng nhận hữu cơ NHONHO cấp cho Tập đoàn Quế Lâm và HTX An Lỗ.
Giám đốc HTX Thanh trà Phong Thu, ông Nguyễn Văn Lịch vốn là Chủ tịch UBND xã Phong Thu (huyện Phong Điền). Cũng như nhiều giám đốc HTX nông nghiệp khác ở Thừa Thiên – Huế, ông Lịch chia sẻ hành trình làm nông nghiệp hữu cơ là từ nghi ngờ, hiệu quả và vận động người dân tham gia.
“Dù là cán bộ hay người dân thì không gì có thể thuyết phục nhanh bằng hiệu quả. Khi còn làm Chủ tịch UBND xã Phong Thu, nghe trên chỉ đạo xuống lựa chọn các hộ dân để hợp tác với doanh nghiệp làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn thì cũng chỉ biết thế thôi chứ mọi thứ mơ hồ lắm.
Làm gì có chuyện chăn nuôi nông hộ mà không có mùi hôi, không ô nhiễm môi trường, không bị dịch bệnh… Có ai biết trồng trọt và chăn nuôi là một mô hình khép kín, đầu vào của thứ này là đầu ra của thứ kia, có doanh nghiệp nào dám cam kết với bà con luôn thu mua sản phẩm cao hơn giá thị trường…”, ông Lịch tâm sự.
Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam thăm mô hình HTX Phong Thu. Ảnh: Hoàng Anh
Sau 3 năm, bây giờ ông Lịch đang là chủ của một tổ hợp chăn nuôi, trồng trọt khép kín lớn nhất nhì huyện Phong Điền, là mô hình sản xuất nông nghiệp kiểu mẫu ở Thừa Thiên – Huế. Chăn nuôi lợn kết hợp trồng thanh trà, bưởi da xanh theo mô hình khép kín. Với mức đảm bảo mỗi con lợn nuôi bằng công nghệ sinh học đảm bảo lãi suất từ 500 – 800 nghìn đồng, ông Lịch mạnh dạn đầu tư mở rộng thành chuỗi sản xuất với quy mô 10 lợn nái và 100 lợn thịt mỗi năm.
Ngoài chăn nuôi lợn, gia đình ông Lịch còn trồng thêm 2ha thanh trà và bưởi da xanh. Nhờ đưa công nghệ vi sinh vào đệm lót, chất thải chăn nuôi trở thành nguồn phân bón hữu cơ, vừa tiết kiệm được tiền đầu tư, vừa giải được bài toán môi trường. Diện tích thanh trà, bưởi da xanh bón phân hữu cơ làm từ chất thải chăn nuôi lợn cũng ít bị sâu bệnh hơn so với trước.
Tương tự là ông Phạm Văn Diễn, Giám đốc HTX Đông Vinh; ông Nguyễn Văn Ba, Giám đốc HTX An Lỗ và nhiều HTX nông nghiệp khác. Mỗi HTX nông nghiệp ở Thừa Thiên – Huế liên kết với doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp hữu cơ thực sự đã trở thành cộng đồng những người làm nông nghiệp trách nhiệm.
Sau hơn 7 năm sản xuất lúa hữu cơ, những cánh đồng “3 không” (không phân vô cơ, không thuốc diệt cỏ, không thuốc trừ sâu hóa chất) của hàng trăm hộ dân ở HTX Phù Bài bây giờ đã trở thành hệ sinh thái “gọi cá tôm về”.
Từ quy trình sản xuất đến việc sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ sau thu hoạch trở thành chuỗi khép kín hoàn toàn tự nhiên. Giám đốc Nguyễn Ngọc Khánh nói, ngoài lợi ích kinh tế luôn cao hơn 15% so với giá thị trường, liên kết sản xuất lúa hữu cơ đã giúp cho người sản xuất thoát khỏi nỗi ám ảnh bệnh tật, người tiêu dùng yên tâm với sản phẩm sạch. Nông nghiệp hữu cơ tích hợp đa giá trị là ở chỗ đó.
Bài học chọn doanh nghiệp tử tế để liên kết
Nhiều người đánh giá, những mô hình nông nghiệp hữu cơ thành công và lan tỏa thành cộng đồng ở Thừa Thiên – Huế, ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị còn là bài học tỉnh biết lựa chọn doanh nghiệp để liên kết.
Những mô hình khép kín từ trồng trọt đến chăn nuôi đang ngày càng lan rộng ở Thừa Thiên – Huế. Ảnh: Hoàng Anh.
Hầu hết các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ ở Thừa Thiên – Huế đều do Tập đoàn Quế Lâm liên kết với người dân, HTX thực hiện. Về chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo hữu cơ, Quế Lâm và Thừa Thiên – Huế đã xây dựng 9 mô hình HTX với trên 300ha lúa, liên kết với nông dân xây dựng hàng nghìn ha lúa theo chuỗi giá trị.
Bên cạnh đó, liên kết sản xuất 200ha ngô, đậu tương ở huyện A Lưới, Quảng Điền làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tạo thành chu trình khép kín để chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho nhà máy chế biến thức ăn gia súc; liên kết với xã Phong Thu (huyện Phong Điền) xây dựng HTX thanh trà hữu cơ; liên kết xã Quảng Công, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền) trồng thử nghiệm khoai lang hữu cơ, dưa hấu hữu cơ, mở rộng và tiến tới xây dựng chuỗi giá trị rau, củ, quả…
Người dân, HTX liên kết với Quế Lâm đều ký kết biên bản đầu vào, đầu ra ổn định, giúp nông dân yên tâm sản xuất. Hiện tại, lúa hữu cơ người dân sản xuất được thu mua với giá ổn định 8.000 đồng/kg, trong khi đó lúa sản xuất truyền thống chỉ 6.000 đồng/kg. Giá lợn hơi hữu cơ thu mua ổn định 65.000 đồng/kg, bất chấp những biến động của thị trường.
Vượt quãng đường hơn 60km từ Thành phố Huế, chúng tôi lên huyện vùng cao A Lưới, nơi nông nghiệp hữu cơ đang trở thành phong trào mạnh mẽ. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: Toàn huyện có hơn 6.098ha đất sản xuất nông nghiệp. Điều kiện tự nhiên, khí hậu nơi đây cũng rất phù hợp với phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan kiểm tra mô hình chăn nuôi an toàn sinh học ở Thừa Thiên – Huế. Ảnh: Hoàng Anh.
Kể từ khi hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm xây dựng chuỗi liên kết sản xuất đối với các loại cây trồng, vật
Từ miền đồng bằng đến miền núi, từ trồng trọt đến chăn nuôi, nông nghiệp hữu cơ đang hiện thực khát vọng của Thừa Thiên – Huế là trở thành tỉnh trung tâm nông nghiệp hữu cơ ở miền Trung.
nuôi, bức tranh nông nghiệp ở A Lưới đã thay đổi rõ rệt, với những mô hình như chăn nuôi lợn hữu cơ ở xã A Ngo, trồng ngô ở Quảng Nhâm, đậu tương ở Sơn Thủy, lúa ở Hồng Thủy… Bằng việc cung cấp đầu vào cho hộ nông dân liên kết sản xuất như giống, vật tư, men sinh học và ký kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho nông dân, những mô hình không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn thay đổi tư duy, nhận thức đồng bào vùng cao.
Bà Trần Thị Huệ ở thôn Bình Sơn, xã A Ngo, người tiên phong liên kết với Tập đoàn Quế Lâm chăn nuôi lợn hữu cơ cho biết: Đây là quy trình chăn nuôi rất tốt, đơn giản, dễ áp dụng. Quy trình chăn nuôi không sử dụng nước tắm nên không gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, việc thực hiện theo bảng quy trình ứng dụng công nghệ men vi sinh sử dụng trong thức ăn, nước uống, phun sương và nhất là trong đệm lót đã đảm bảo được vấn đề an toàn dịch bệnh.
Mỗi năm liên kết nuôi khoảng 10 con lợn nái và gần 100 con lợn thịt hữu cơ, gia đình bà Huệ được Tập đoàn Quế Lâm cam kết bao tiêu sản phẩm, lãi khoảng 800 nghìn đồng/con. “Tận mắt thấy hiệu quả, rất nhiều hộ dân ở A Lưới đã viết đơn để xin liên kết thực hiện mô hình nông nghiệp hữu cơ”, bà Huệ nói.