BỘ TRƯỞNG BỘ NN&PTNT NGUYỄN XUÂN CƯỜNG: NHÂN RỘNG MÔ HÌNH LÀM LÚA VÀ NUÔI HEO HỮU CƠ THEO CÔNG NGHỆ VI SINH CỦA TẬP ĐOÀN QUẾ LÂM

Tham dự buổi làm việc với Tập đoàn Quế Lâm, về phía lãnh đạo địa phương, có ông Phan Ngọc Thọ – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh TT Huế; về phía Tập đoàn Quế Lâm có ông Nguyễn Hồng Lam – Chủ tịch HĐQT, các nhà khoa học trong Hội đồng khoa học của Tập đoàn Quế Lâm như PGS.TS Phạm Thị Vượng hiện là Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật bảo vệ thực vật Việt Nam, ông Nguyễn Văn Cao – Nguyên là Chủ tịch UBND tỉnh TT Huế, ông Trần Ngọc Nam – Nguyên là Giám đốc Sở KH Công nghệ tỉnh TT Huế; đại diện Giám đốc các hợp tác xã liên kết triển khai mô hình chuỗi nông nghiệp hữu cơ với Tập đoàn Quế Lâm.

Tại Trung tâm Ứng sinh học nông nghiệp hữu cơ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã trực tiếp tham quan ruộng lúa hữu cơ, vườn trồng cây ăn quả và trại chăn nuôi heo hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm.

Hình 1. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đi thăm cánh đồng lúa hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm

Triển khai nhanh mô hình chăn nuôi heo hữu cơ vi sinh

Đến thăm mô hình chăn nuôi heo hữu cơ Tập đoàn Quế Lâm đã liên kết chuyển giao cho các hộ nông dân, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đánh giá rất cao doanh nghiệp Quế Lâm là đơn vị tiên phong đi đầu trong sản xuất sản phẩm phân bón hữu cơ từ nguyên liệu đầu vào có nguồn gốc từ chăn nuôi; bên cạnh đó là chuỗi sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt là mô hình chăn nuôi heo sử dụng đồng bộ tất cả chế phẩm vi sinh trong thức ăn, nước uống, đệm lót sinh học, xử lý môi trường.

 

Hình 2. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT khảo sát mô hình chăn nuôi heo tại Tập đoàn Quế Lâm

Tại buổi làm việc, đại diện các hợp tác xã, hộ chăn nuôi đang liên kết với Tập đoàn Quế Lâm đã cho biết những điểm khác biệt về mô hình nuôi heo hữu cơ công nghệ vi sinh của Tập đoàn, điển hình như ông Nguyễn Tranh – Giám đốc HTX Phù Bài, xã Thủy Phù, Thị xã Hương Thủy; ông Nguyễn Văn Lịch – hộ chăn nuôi tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền. Ông Lịch cho biết, gia đình đã liên kết chăn nuôi heo hữu cơ với Tập đoàn Quế Lâm từ 2 năm nay. Ban đầu gia đình ông chưa tin vào việc doanh nghiệp tuyên truyền hình thức chăn nuôi heo không có mùi hôi, không ô nhiễm môi trường và thu mua lại lợn cho các hộ dân với giá cao hơn thị trường. Từ khi liên kết với Tập đoàn Quế Lâm, gia đình ông nhận thấy có 4 sự thay đổi rõ rệt so với chăn nuôi thông thường. Thứ nhất là không dịch bệnh, từ dịch tai xanh đợt trước đến dịch tả Châu Phi lần này đàn heo đều an toàn. Thứ hai là không ô nhiễm môi trường, không có mùi hôi. Thứ ba là có nguồn phân chuồng rất phong phú. Gia đình ông Lịch có 2ha thanh trà và bưởi da xanh, trước đây mỗi năm phải mua 15-20 tấn phân hữu cơ nhưng kể từ khi tận dụng được lượng phân vi sinh từ trại nuôi heo thì không cần mua nữa. Thứ tư là kinh tế, nuôi heo hữu cơ hạch toán chi phí mỗi con lãi 500-700 ngàn. Nhờ Tập đoàn bao tiêu sản phẩm nên đầu ra rất ổn định, trước đây giá heo lên xuống khiến nông dân thường xuyên bỏ chuồng, nhưng sau khi chúng tôi thực hiện thành công, hiện rất nhiều hộ dân đăng ký tham gia nuôi heo hữu cơ, bất chấp dịch tả đang hoành hành ở khắp nơi.

Hình 3. Ông Nguyễn Văn Lịch – hộ chăn nuôi liên kết với Tập đoàn Quế Lâm phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Lãnh đạo tỉnh TT Huế quan tâm triển khai nhanh các mô hình trồng lúa và nuôi heo hữu cơ bởi vì rất phù hợp, nhất là áp dụng cho đối tượng dễ tổn thương trước các yếu tố về tự nhiên như là các hộ chăn nuôi nhỏ, không có điều kiện đảm bảo các khâu an toàn sinh học từ thức ăn, chuồng trại, xử lý môi trường. Thứ hai, đi theo hướng hữu cơ nhằm tạo ra một sản phẩm chất lượng rất cao. Thứ ba, những quy trình canh tác phù hợp nông hộ của Việt Nam, trên cơ sở các nông hộ tập trung thành hợp tác xã liên kết thành sản xuất lớn, sản xuất có giá thành vừa phải, tiện lợi dễ làm. Bộ Nông nghiệp đã có chương trình giao cho Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm thúc đẩy nhân rộng rất nhanh mô hình các sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi đã kết luận được, thứ nhất là chuỗi lúa gạo của Quế Lâm đã được kết luận; thứ hai là những sản phẩm phân bón hữu cơ của Quế Lâm đã được minh chứng bằng thực tiễn tiêu dùng rất tốt; đặc biệt chăn nuôi heo hữu cơ ứng dụng chế phẩm vi sinh quy mô nông hộ đã góp phần tích cực phòng các nhóm bệnh, kế cả dịch tả hiện nay, thì các mô hình này đã chứng tỏ khả năng kháng bệnh dịch. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng chỉ đạo Tập đoàn Quế Lâm tiếp tục chuẩn hóa từ khâu con giống, thức ăn, chuồng trại, công nghiệp hóa thức ăn, chế phẩm men vi sinh để nhân rộng mô hình này.

Hình 4. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT tham quan chuỗi sản xuất nông sản hữu cơ tại một trong các siêu thị của Tập đoàn Quế Lâm ở TT Huế

Đẩy mạnh khởi công mô hình 4F

Song song với chuỗi sản xuất nông sản hữu cơ, Tập đoàn Quế Lâm tiếp tục đầu tư triển khai dự án các khu tổ hợp sản xuất chế biến nông sản hữu cơ trên diện tích 20ha tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế theo Quyết định đầu tư số 2123/QĐ-UBND. Với mục tiêu xây dựng tổ hợp chuỗi giá trị nông sản hữu cơ, kiểm soát sản xuất thịt heo an toàn bằng hệ thống chăn nuôi khép kín theo mô hình 4F “Farm-Food-Feed-Ferlitizer” gồm các tổ hợp nhà máy sản xuất chế phẩm sinh học, nhà máy sản xuất thức ăn hữu cơ vi sinh, trang trại chăn nuôi heo hữu cơ. Mô hình 4F có hai loại dành cho gia trại và trạng trại. Mô hình gia trại nông dân có quy mô từ 30-150 con sẽ bố trí cho 7-10 hộ gia đình; mô hình trang trại có quy mô từ 300-500 con sẽ bố trí 7 trại chăn nuôi với tổng đàn từ 3.000 – 3.500 con/năm. Trên cơ sở mô hình các hộ nông dân đơn lẻ đã chăn nuôi heo hữu cơ thành công tại nhiều xã, Tập đoàn Quế Lâm tạo ra bước đột phá trong việc đầu tư phát triển mô hình làng xã kiểu mẫu chăn nuôi hữu cơ an toàn tại các địa phương với hình thức Tập đoàn chuyển giao quy trình. Theo mô hình 4F, chăn nuôi heo đạt chuẩn an toàn vệ sinh, đàn heo được an toàn dịch bệnh; sản phẩm đầu ra là thịt heo chất lượng, giá trị dinh dưỡng cao, an toàn thực phẩm; xử lý triệt để mùi hôi, chất thải, nước thải, góp phần bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu quả sử dụng đất nhờ nguồn phân bón hữu cơ; theo hình thức Tập đoàn đầu tư toàn bộ quy trình từ khâu giống, thức ăn, chuồng trại; được Tập đoàn bao tiêu đầu ra cho các sản phẩm chăn nuôi gồm thịt heo, phân bón hữu cơ; người nông dân được tuyển chọn vào triển khai mô hình này sẽ được hưởng lợi đầu tư.

Ấn tượng với chiến lược phát triển của Tập đoàn Quế Lâm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá rất cao mô hình 4F của Tập đoàn Quế Lâm xây dựng sẽ tạo ra một hệ sinh thái chăn nuôi quy mô nông hộ Việt Nam đạt 3 tiêu chí: kinh tế, môi trường, và an sinh cộng đồng; hướng đi này vô cùng quan trọng và Việt Nam đang cần mô hình như vậy. Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Lãnh đạo tỉnh TT Huế tập trung chỉ đạo nhanh nhất để khởi công mô hình này nhằm đạt mục tiêu về môi trường, du lịch, kinh tế của tỉnh nhà. Thứ hai, Bộ trưởng đích thân có lời mời Tập đoàn Quế Lâm trình bày mô hình 4F tại Hội nghị phát triển nông nghiệp TT Huế vào ngày 29/7/2019. Bộ trưởng cũng giao nhiệm vụ cho Tập đoàn Quế Lâm tập trung tổng kết, chuẩn hóa, đóng gói quy trình, chuyển giao theo đơn đặt hàng của các địa phương, thì mới nhanh chóng thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp trên quy mô diện rộng. Bộ trưởng yêu cầu Tập đoàn Quế Lâm triển khai trồng thanh trà là đặc sản – hồn cốt của sông Hương núi Ngự, thông qua các chương trình tôn vinh nông sản để tôn vinh sản phẩm của người dân ở vùng đất cố đô. Dành những tình cảm hết sức tốt đẹp cho người đi tiên phong về mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ là doanh nhân Nguyễn Hồng Lam nói riêng cũng như Tập đoàn Quế Lâm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chúc mừng Tập đoàn Quế Lâm đã định hướng phát triển đúng đó là theo đuổi con đường nông nghiệp hữu cơ; quyết tâm thực hiện, chia sẻ cùng với Nhà nước và người dân chung sức làm sự nghiệp nông nghiệp; với một khát vọng mãnh liệt và tình yêu quê hương bằng những hành động thiết thực và khoa học.

Hình 5. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường làm việc tại Tập đoàn Quế Lâm

H.Kim