Thực tiễn phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Vĩnh Phúc cho thấy, ngoài định hướng, chính sách, vai trò của doanh nghiệp trong các mô hình liên kết mang giá trị cốt lõi.
Chính sách đi trước thực tiễn
Vĩnh Phúc là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp, cơ cấu kinh tế của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ còn 8,15%.
Có nhiều ý kiến lo ngại việc chú trọng phát triển công nghiệp, xây dựng, dịch vụ có thể sẽ bỏ bê lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên thực tế Vĩnh Phúc lại không phải như vậy. Mặc dù chiếm tỷ trọng không lớn nhưng giá trị tuyệt đối sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc vẫn tăng qua các năm. Mặt khác, gần 75% dân số Vĩnh Phúc sống ở khu vực nông thôn với diện tích đất nông nghiệp trên 80 nghìn ha đòi hỏi nông nghiệp, nông thôn Vĩnh Phúc phải giữ vị trí quan trọng.
Vĩnh Phúc là một trong những địa phương luôn tiên phong ban hành các chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng từng khẳng định, một trong những hướng phát triển nông nghiệp ở Vĩnh Phúc chính là nông nghiệp hữu cơ.
Bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc cũng không ít lần khẳng định, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân luôn được Vĩnh Phúc quan tâm đặc biệt. Bà Lan cũng là người đặc biệt quan tâm đến phát triển nông nghiệp hữu cơ và có nhiều quyết sách đối với lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh.
Thực tế, Vĩnh Phúc là tỉnh tiên phong ban hành chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ ngay từ khi xã hội chưa quan tâm nhiều đến lĩnh vực này. Từ năm 2015, Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 201/NQ-HĐND về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 – 2020, trong đó có chính sách hỗ trợ phân vi sinh và thuốc BVTV thảo mộc, sinh học với mức 5 triệu đồng/ha.
Đấy chính là chính sách hỗ trợ phát triển kịp thời trong bối cảnh nông nghiệp hữu cơ vẫn là cách làm mới mẻ. Thực hiện Nghị quyết này, hàng năm các đơn vị trực thuộc Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc đã thực hiện hỗ trợ trên 1.000 ha rau ăn lá/năm, đặc biệt năm 2020, diện tích hỗ trợ được gần 3.000 ha. Từ năm 2012, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc đã phối hợp với các doanh nghiệp, HTX sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ.
Những mô hình khẳng định hiệu quả rõ rệt
Song song với việc ban hành chính sách hỗ trợ, ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc đã sớm liên kết với doanh nghiệp, HTX, hộ dân để thực hiện các mô hình nông nghiệp hữu cơ, theo hướng hữu cơ và đạt được những kết quả tích cực.
Với lĩnh vực trồng trọt là liên kết xây dựng mô hình sử dụng phân hữu cơ vi sinh trên cây lúa, cây rau, thanh long ruột đỏ với quy mô trên 200 ha.
Cụ thể, Vĩnh Phúc đã triển khai 120 ha mô hình liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ theo chuỗi giá trị. Kết quả thể hiện cây lúa sinh trưởng khoẻ, ít sâu bệnh, năng suất đạt 60,6 tạ/ha. Hạch toán cho thấy sản xuất lúa hữu cơ chi phí đầu tư cao hơn so với sản xuất lúa sử dụng phân bón và thuốc BVTV hóa học hơn 4,6 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, sản xuất lúa hữu cơ có giá bán cao hơn so với lúa bón phân và sử dụng thuốc BVTV hóa học 1.200 đồng/kg nên sau khi trừ các chi phí, sản xuất lúa hữu cơ vẫn thu được lợi nhuận là hơn 35,2 triệu đồng/ha, cao hơn sản xuất lúa thông thường 2,5 triệu đồng/ha.
Với cây ăn quả, trên diện tích 10 ha trồng thanh long ruột đỏ ở xã Vân Trục, huyện Lập Thạch theo hướng hữu cơ cũng cho thấy, cây thanh long sử dụng phân bón hữu cơ có quả đẹp hơn, chất lượng dinh dưỡng cao hơn, độ ngọt cao hơn, quả cứng chắc và lâu hư thối…
Điển hình nữa là mô hình trồng nho hạ đen theo tiêu chuẩn VietGAP của anh Phạm Văn Quỳnh ở thôn Lâm Xuyên, xã Tam Hồng huyện Yên Lạc. Đây là mô hình trồng nho Hạ đen lớn nhất Vĩnh Phúc được đầu tư bài bản, khoa học, với hệ thống nhà giàn, có mái che, hệ thống bón phân tự động, tưới nước nhỏ giọt với diện tích 7.000 m2. Năm đầu sau khi trồng, giá trị sau thu hoạch khoảng 1,5 tỷ đồng và đến năm thứ 3 cho thu hoạch khoảng 3 tỷ đồng.
Với các mô hình sản xuất rau, hiệu quả càng thể hiện rõ. Một sào sản xuất rau bắp cải hữu cơ ở Vĩnh Phúc thu lãi cao hơn so với đối chứng 22,5 triệu đồng/ha. Trồng cải thảo cho lãi cao hơn đối chứng 23,7 triệu đồng/ha.
Các loại cải ngọt, cải xanh cho thu lãi cao hơn đối chứng15,5 triệu đồng/ha… Tương tự, áp dụng quy trình này trên cây mướp, trong cùng một điều kiện canh tác, khi cây mướp được sử dụng phân bón hữu cơ cho hiệu quả kinh tế cao hơn sử dụng phân vô cơ là 14 triệu đồng/ha.
Với lĩnh vực chăn nuôi, Vĩnh Phúc cũng đã xây dựng các mô hình chăn nuôi sử dụng chế phẩm sinh học với quy mô 200.000 con gà, 10.000 con lợn, 300 con bò thịt…
Hiệu quả, khi nuôi 1000 con gà ri lai sử dụng chế phẩm làm đệm lót sinh học lãi hơn 22 triệu đồng so với không sử dụng chế phẩm sinh học. Mỗi con lợn nuôi theo hướng hữu cơ sử dụng chế phẩm sinh học lãi hơn 1,8 triệu đồng, vỗ béo một con bò sử dụng chế phẩm sinh học lãi hơn 5,1 triệu đồng…
Ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc đánh giá, việc sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi giảm được mùi hôi, tiết kiệm nước và công lao động, đảm bảo an toàn dịch bệnh, đảm bảo tạo ra sản phẩm chăn nuôi an toàn…
Ngoài ra, phụ phẩm từ việc xử lý chất thải chăn nuôi có tác dụng cải đất, giảm hiện tượng đất bị thoái hóa, xói mòn, đặc biệt xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường trong trường hợp tăng quy mô chăn nuôi mà công trình khí sinh học không giải quyết được.
Dấu ấn liên kết doanh nghiệp
Thực tiễn phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Vĩnh Phúc cho thấy, ngoài cơ chế, chính sách hỗ trợ, vai trò của doanh nghiệp trong các mô hình liên kết mang giá trị cốt lõi.
Là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, Tập đoàn Quế Lâm đã liên kết thực hiện nhiều mô hình và có những đóng góp thiết thực vào thành tựu nông nghiệp của Vĩnh Phúc.
Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm cho rằng, thực tiễn ở địa phương nào người đứng đầu quyết liệt thì nông nghiệp hữu cơ ở đó sẽ thành công. Vĩnh Phúc là một điển hình.
Từ năm 2012, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc đã phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm triển khai nhiều mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh như: Chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ tại các xã Văn Quán (Lập Thạch), Minh Quang (Tam Đảo), Thị trấn Đạo Đức (Bình Xuyên); thanh long ruột đỏ hữu cơ tại xã Vân Trục (Lập Thạch); rau su su hữu cơ tại xã Hồ Sơn (Tam Đảo); dưa lê hữu cơ ở xã Vân Hội (Tam Dương); lúa gạo hữu cơ tại các xã Tân Phong, Phú Xuân (Bình Xuyên), Yên Phương (Yên Lạc)…
Thăm mô hình sản xuất giống lúa DT 39 Quế Lâm theo quy trình hữu cơ với diện tích 5 ha ở thôn Yên Thư, xã Yên Phương huyện Yên Lạc mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan đã thấy rõ sự hiệu quả khi vụ xuân 2021 có năng suất ước đạt 64 tạ/ha; ở một số diện tích thâm canh tốt, năng suất ước đạt 70 tạ/ha.
Chính vì vậy, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc chỉ đạo ngành nông nghiệp trong thời gian tới tiếp tục triển khai Quyết định ngày 21/10/2019 của UBND tỉnh về Kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020 – 2022; triển khai các mô hình điểm sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận chất lượng hữu cơ trong trồng trọt và chăn nuôi làm cơ sở xây dựng, ban hành quy trình sản xuất, chăn nuôi áp dụng trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở kết quả thực hiện các mô hình, Vĩnh Phúc sẽ xây dựng các quy trình sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn hữu cơ đối với 5 loại rau phổ biến, cây dược liệu, chăn nuôi lợn thịt và chăn nuôi gà thịt để áp dụng trên địa bàn Vĩnh Phúc. Đồng thời, triển khai thực hiện Quyết định năm 2020 của UBND tỉnh về việc Hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2023…
Chính sách quyết liệt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với sự liên kết doanh nghiệp đang từng bước khẳng định hướng đi đúng đắn của con đường nông nghiệp hữu cơ ở Vĩnh Phúc.
Hoàng Anh – Đinh Tùng