BÁO NÔNG NGHIỆP: Vì người nông dân phải là kinh tế tuần hoàn

Hợp tác giữa Cục Chăn nuôi và Tập đoàn Quế Lâm được xem là sự kiện đặc biệt có ý nghĩa với ngành chăn nuôi Việt Nam.

Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi. Ảnh: Hoàng Anh.Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi. Ảnh: Hoàng Anh.

Những phân hóa, dịch chuyển tích cực của ngành chăn nuôi

Cục Chăn nuôi và Tập đoàn Quế Lâm vừa tổ chức ký kết hợp tác về phát triển nông nghiệp hữu cơ, phát triển các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Đây được xem là sự kiện sẽ mở ra những bước đột phá mới trong phát triển chăn nuôi, đặc biệt có ý nghĩa với chăn nuôi nông hộ, trang trại, gia trại ở Việt Nam.

Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết, Quyết định số 1520/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 đã nêu rõ chủ trương của ngành chăn nuôi Việt Nam là hướng tới chất lượng và giá trị gia tăng, chăn nuôi Việt Nam bên cạnh phát triển công nghiệp năng suất cao, sản lượng lớn cũng đồng thời khuyến khích chăn nuôi nông hộ truyền thống chuyên nghiệp hóa, chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi giống bản địa đặc sắc có giá trị kinh tế cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, bền vững môi trường, an toàn sinh học, quản lý và sử dụng hiệu quả chất thải chăn nuôi, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi…

“Với kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, tập trung nâng cao năng suất và sản lượng đã dẫn đến hệ quả tất yếu làm giảm chất lượng sản phẩm, giảm sức đề kháng tự nhiên, giảm an toàn sinh học, phát sinh dịch bệnh, tạo ra nhiều chất thải, tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường… Chính vì vậy, để đạt mục tiêu của ngành chăn nuôi là tăng năng suất, sản lượng, đảm bảo nhu cầu thực phẩm của gần 100 triệu dân, phát triển ngành kinh tế chăn nuôi, ngành chăn nuôi Việt Nam cần phải cân nhắc và thực hiện hài hòa trên cơ sở phát huy nội lực, tối ưu hóa nguồn lực, cân đối hài hòa, ưu tiên phát triển…”, Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định.

Cũng theo ông Dương Tất Thắng, trong thời gian qua ngành chăn nuôi đã có những bước phân hóa, dịch chuyển về phương thức, trình độ chăn nuôi rất tích cực. Bên cạnh nhiệm vụ tăng năng suất, sản lượng, ngành chăn nuôi phải chú trọng chất lượng, hiệu quả kinh tế, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Những mô hình liên kết sản xuất nông hộ nhỏ, áp dụng qui trình chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng chế phẩm vi sinh trong thức ăn chăn nuôi và xử lý môi trường, tăng sức đề kháng vật nuôi, giảm phác thải, tăng chất lượng sản phẩm và giảm chi phí trong chăn nuôi.

Những mô hình đó là sự kết hợp tổng hợp và hài hòa các giải pháp kiểm soát dịch bệnh, sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng chống dịch bệnh, xử lý chất thải chăn nuôi, tiết kiệm đầu vào nâng cao chất lượng đầu ra…

Những mô hình chăn nuôi an toàn sinh học của Tập đoàn Quế Lâm đã chứng minh hiệu quả. Ảnh: Hoàng Anh.Những mô hình chăn nuôi an toàn sinh học của Tập đoàn Quế Lâm đã chứng minh hiệu quả. Ảnh: Hoàng Anh.

Thực tiễn đã chứng minh Tập đoàn Quế Lâm là một điển hình tiêu biểu về phát triển mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, định hướng hữu cơ và kinh tuần hoàn, gắn liên kết với chuỗi giá trị mà Bộ NN-PTNT hướng đến.

Những mô hình của Tập đoàn Quế Lâm không chỉ lan tỏa lợi ích kinh tế mà còn mang ý nghĩa rất lớn với cộng đồng xã hội. Việc áp dụng các mô hình mới trong sản xuất kinh doanh nhằm tiết kiệm và tối ưu hóa nguồn đầu vào là hết sức phù hợp, áp dụng nguyên lý kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi để cùng với ngành trồng trọt phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, phát triển theo chuỗi giá trị, tạo sinh kế cho người nông dân là yêu cầu cấp thiết của ngành chăn nuôi hiện tại và tương lai.

Với phương châm chủ động, đồng hàn, hỗ trợ doanh nghiệp và người chăn nuôi, coi doanh nghiệp là đối tác cùng phát triển, Cục Chăn nuôi chủ trương mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp, tạo liên kết bền vững, hỗ trợ hiệu quả giữa ba nhà là Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà nông trong việc nghiên cứu, áp dụng nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả và bền vững, mang lại giá trị và sinh kế lâu dài cho người nông dân, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện ngành nông nghiệp Việt Nam.

Ký kết hợp tác giữa Cục Chăn nuôi và Tập đoàn Quế Lâm. Ảnh: Hoàng Anh.Ký kết hợp tác giữa Cục Chăn nuôi và Tập đoàn Quế Lâm. Ảnh: Hoàng Anh.

Từ những cơ sở đó, Cục Chăn nuôi và Tập đoàn Quế Lâm sẽ hợp tác xây dựng các chương trình, dự án, đề án hằng năm, trung hạn và dài hạn về phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, định hướng hữu cơ và kinh tế tuần hoàn gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi, trong đó khai thác ưu thế và tính năng của chế phẩm vi sinh của Tập đoàn Quế Lâm nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường và phát triển chăn nuôi bền vững.

Cụ thể, hai bên sẽ hợp tác phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi Quế Lâm tại các tỉnh, thành phố có nhu cầu và tiềm năng trên phạm vi toàn quốc; Tuyên truyền, giới thiệu Quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, định hướng hữu cơ, kinh tế tuần hoàn của Tập đoàn Quế Lâm vào các chương trình, đề án, dự án phát triển chăn nuôi; Kết nối và chuyển giao Quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, định hướng hữu cơ và kinh tế tuần hoàn của Tập đoàn Quế Lâm, trong đó ưu tiên sử dụng chế phẩm vi sinh để tái sử dụng các phế phụ phẩm và chất thải trong chăn nuôi, chế biến, giết mổ thành phân bón hữu cơ vi sinh.

Chuyển đổi số trong chăn nuôi, trong đó, hệ thống cơ sở dữ liệu chăn nuôi của Tập đoàn Quế Lâm được kết nối với hệ thống của Cục Chăn nuôi, phổ biến các sản phẩm, quy trình và thương hiệu Quế Lâm trên hệ thống.

Cục Chăn nuôi hỗ trợ, khuyến khích Tập đoàn Quế Lâm đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ, khuyến khích Tập đoàn Quế Lâm đầu tư vào chăn nuôi để phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, định hướng hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, phát triển theo chuỗi giá trị chăn nuôi trên phạm vi quốc gia. Hỗ trợ tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, định hướng hữu cơ, kinh tế tuần hoàn gắn với sử dụng chế phẩm vi sinh thông qua các chương trình, dự án về chuyển đổi số, truyền thông, tập huấn, đào tạo, xây dựng thương hiệu chuỗi giá trị, các hội chợ, triển lãm.

Vì người nông dân phải là kinh tế tuần hoàn

Đánh giá cao sự hợp tác với Cục Chăn nuôi, ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm cho rằng, thực tiễn chứng minh quy trình chăn nuôi an toàn sinh học của Tập đoàn Quế Lâm đã rất hiệu quả và ngày càng có nhiều cơ quan quản lý, các địa phương hợp tác để nhân rộng.

Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Quế Lâm. Ảnh: Hoàng Anh.Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Quế Lâm. Ảnh: Hoàng Anh.

Quế Lâm cũng đã xây dựng thành công các chuỗi liên kết sản xuất với các hợp tác xã, các địa phương ban hành quy trình sản xuất ra gạo hữu cơ khép kín, an toàn và chất lượng cao, quy trình kỹ thuật chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học. Từ việc chủ động vật tư đầu vào, công nghệ sản xuất men vi sinh độc quyền đến các quy trình khoa học kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm tập đoàn đã tạo nên một hệ sinh thái mà ở đó giá trị cốt lõi là vì người nông dân.

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Lam, nếu nói vì người nông dân sẽ không có con đường nào khác ngoài những mô hình kinh tế tuần hoàn, kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt. Bởi vì kinh tế tuần hoàn vừa tiết kiệm chi phí đầu vào vừa giảm giá thành giúp người nông dân, bảo vệ sức khỏe của họ, bảo vệ môi trường bền vững và mang lại nhiều giá trị khác đối với cộng đồng.

“Kinh tế tuần hoàn là tái tạo chứ không khai thác, chăn nuôi và trồng trọt gắn bó với nhau thì không có lý do gì không mang lại hiệu quả cả”, ông Nguyễn Hồng Lam khẳng định.

Chính vì vậy, theo Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm, vấn đề hiện nay là ở công tác quản lý. Quản lý làm sao để “thằng giả không phá thằng thật”, để những người nông dân sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm được hưởng những thành quả xứng đáng, không phải cạnh tranh với những người làm sản phẩm kém chất lượng. Quản lý làm sao để hợp tác liên kết thực sự đi vào thực tiễn, đặc biệt là ở các địa phương.

Hợp tác, đồng hành với Cục Chăn nuôi, Tập đoàn Quế Lâm phối hợp với cục và các địa phương để tham gia, đầu tư, xây dựng các mô hình trình diễn về chăn nuôi gia súc, gia cầm áp dụng Quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, định hướng hữu cơ, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển theo chuỗi giá trị chăn nuôi, xây dựng các mô hình trình diễn về sử dụng chế phẩm vi sinh của Tập đoàn Quế Lâm để kiểm soát môi trường chăn nuôi, tái sử dụng phế phụ phẩm trong chăn nuôi hiệu quả ở cả quy mô nông hộ và trang trại tại các tỉnh, thành phố.

Tập huấn, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật đến các địa phương đồng thời cung ứng đầy đủ, kịp thời, đảm bảo chất lượng tất cả các sản phẩm đầu vào, các chế phẩm vi sinh để quản lý môi trường chăn nuôi, phục vụ chương trình, dự án của các địa phương…

Trước Cục Chăn nuôi, Tập đoàn Quế Lâm cũng đã ký kết, hợp tác và đồng hành với nhiều đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT như Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ Thực vật, Cục Thú y, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Viện Chăn nuôi, Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam…

Ngoài ra, Quế Lâm cũng hợp tác với các cơ quan Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam, Hiệp hội khoa học kỹ thuật bảo vệ thực vật Việt Nam… Ký kết hợp tác, liên kết phát triển nông nghiệp hữu cơ với các tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình, Tuyên Quang, Lai Châu, Sơn La, Thừa Thiên – Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp…

Ông Nguyễn Hồng Lam cho rằng, với những mô hình đã chứng minh được hiệu quả, đã và đang đóng vai trò dẫn dắt người nông dân của Tập đoàn Quế Lâm thì các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương cần có cơ chế đặt hàng để lan tỏa, phát triển mạnh mẽ.

Nguồn : Hoàng Anh – Báo Nông Nghiệp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *