Sóc Trăng xác định hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm là giải pháp lớn để hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh và bền vững.
UBND tỉnh Sóc Trăng và Tập đoàn Quế Lâm ký kết hợp tác sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: Trần Anh.
UBND tỉnh Sóc Trăng và Tập đoàn Quế Lâm vừa tổ chức Lễ ký kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ nhằm hướng đến xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững.
Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, ngành nông nghiệp tỉnh này thời gian qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu về năng suất, sản lượng, chủng loại và quy mô sản xuất.
Đặc biệt, Sóc Trăng là địa phương có thế mạnh về tôm và lúa. Diện tích lúa hàng năm trên 320.000 ha, sản lượng trên 2 triệu tấn, trong đó lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm trên 70%. Diện tích sản xuất rau màu các loại trên 50.000 ha/năm, diện tích cây ăn trái gần 30.000 ha…
Tuy nhiên, giống như nhiều tỉnh thành khác ở vùng ĐBSCL, nông nghiệp Sóc Trăng đang đứng trước những tác động và thách thức rất lớn từ biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường, nguồn nước, đất đai bạc màu, suy giảm đa dạng sinh học, nguy cơ mất an toàn thực phẩm…
Bên cạnh đó, nông nghiệp Sóc Trăng vẫn còn gặp khó khăn trong xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ, chưa có quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chưa có nhà máy sản xuất vật tư đầu vào, chế biến đầu ra…
Định hướng phát triển nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng thời gian tới là ưu tiên phát triển nông nghiệp xanh, bền vững. Ảnh: Trần Anh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, ông Trần Văn Lâu, định hướng phát triển nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng thời gian tới là ưu tiên phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, trong đó sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp số là các giải pháp quan trọng sẽ triển khai thực hiện.
Chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp của Sóc Trăng trong năm 2022, sản lượng lúa đạt trên 2 triệu tấn, trong đó lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm trên 76%; màu và cây công nghiệp ngắn ngày với diện tích gieo trồng 56.000ha và cây ăn trái diện tích 29.200ha…
Về chăn nuôi, đàn gia súc 303.600 con, đàn heo 237.000 con, đàn gia cầm 7 triệu con và sản lượng tôm nước lợ 196.000 tấn. Về Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới (NTM), sẽ có thêm 5 xã đạt chuẩn NTM và có thêm 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Cùng với đó, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt trên 213 triệu đồng/ha…
Để đạt được các mục tiêu trên, ngoài các giải pháp trọng tâm, định hướng của tỉnh Sóc Trăng sẽ đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Vì vậy, việc ký kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ với Tập đoàn Quế Lâm sẽ là bước đổi mới, phát triển bền vững ngành nông nghiệp, tăng giá trị sản phẩm nông sản, hình thành nền nông nghiệp có chuỗi giá trị gia tăng, không ngừng nâng cao đời sống của nông dân, bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân…
Tập đoàn Quế Lâm đã đóng góp vai trò tiên phong, dẫn dắt nông dân làm nông nghiệp hữu cơ ở Sóc Trăng. Ảnh: Trần Anh.
Từ năm 2019, Tập đoàn Quế Lâm và tỉnh Sóc Trăng đã triển khai thực hiện các mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại Thị xã Ngã Năm, đến nay đã nhân rộng lên 22 ha; các mô hình trồng bưởi hữu cơ, hành tím hữu cơ, dưa hấu hữu cơ tại các huyện Long Phú, Trần Đề… Từ những mô hình đó, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã tuyên truyền, nhân rộng lên thành 15.426 ha cây trồng hữu cơ và theo hướng hữu cơ.
“Tỉnh Sóc Trăng xác định nông nghiệp hữu cơ chính là giải pháp lớn để hướng tới nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững. Những đóng góp của Tập đoàn Quế Lâm với vai trò tiên phong, dẫn dắt người nông dân làm nông nghiệp hữu cơ sẽ mang lại lợi ích không chỉ với sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng mà còn góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững”, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng khẳng định.
Nội dung ký kết hợp tác giữa tỉnh Sóc Trăng và Tập đoàn Quế Lâm xác định vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và hữu cơ trên địa bàn tỉnh, chọn một số cây trồng, vật nuôi thích hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường để đầu tư liên kết trong việc sản xuất và thu mua, tạo chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp hữu cơ…
Phổ biến các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, vật tư đầu vào, quy trình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và hữu cơ về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Song song đó, tào tạo, tập huấn, hướng dẫn cán bộ, nông dân, người sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp theo hướng hữu cơ và hữu cơ; hình thành các đầu mối như tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn…
Tập đoàn Quế Lâm quảng bá, hỗ trợ bao tiêu nông sản từ các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn được thực hiện trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng…, việc ký kết hợp tác trong 5 năm (2022 – 2026).
Tập đoàn Quế Lâm khẳng định luôn sẵn sàng cùng với các địa phương để rút ngắn chặng đường chuyển đổi sang nền nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, bền vững. Ảnh: Trần Anh.
Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Quế Lâm khẳng định: Với “bảo bối” là công nghệ sản xuất men vi sinh, thông qua liên kết, hợp tác sản xuất với các HTX, đơn vị ở các tỉnh trong cả nước, Tập đoàn Quế Lâm đã ban hành các quy trình sản xuất kinh doanh theo chuỗi khép kín cả trên trồng trọt và chăn nuôi, hình thành “Quy trình chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, bền vững”.
“Với phương châm trồng trọt phải gắn với chăn nuôi để tạo nên chuỗi kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, Tập đoàn Quế Lâm khẳng định luôn sẵn sàng cùng với các địa phương để rút ngắn chặng đường chuyển đổi sang nền nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, bền vững như Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đã đề ra”, ông Nguyễn Hồng Lam nói.
Nguồn: Hoàng Anh – Báo Nông Nghiệp