Nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng bền vững và hiệu quả, sáng 9-3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị “Phát triển phân bón hữu cơ”. Hội nghị thu hút được nhiều tham luận của các chuyên gia, doanh nghiệp… cùng bàn về những khó khăn thách thức hiện nay của ngành phân bón và hướng đi mới để phát triển phân bón hữu cơ trong tương lai.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng NN&PTNT, Nguyễn Xuân Cường, khẳng định: Phân bón là vật tư nông nghiệp đóng vai trò quan trọng và được sử dụng với số lượng lớn hằng năm để phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững. Việc sử dụng phân bón hóa học trong một thời gian dài đã gây ô nhiễm cho môi trường đất và ảnh hưởng xấu đến chất lượng nông sản. Trong khi đó, sử dụng phân bón hữu cơ ngoài việc cung cấp chất dinh dưỡng còn có tác dụng cải thiện chế độ mùn, điều hoà dung dịch trong đất, cải thiện hệ vi sinh vật đất, giảm rửa trôi, giảm bốc hơi, tăng hiệu suất sử dụng phân bón.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị
Đánh giá về nhu cầu, thị trường sử dụng phân bón hữu cơ hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Chỉ tính riêng thị trường Việt Nam là rất lớn, chúng ta có 10 triệu ha đất canh tác, có hơn 20 triệu ha lượt đất canh tác, nếu bình quân mỗi ha sử dụng 10 tấn phân hữu cơ, chúng ta cần trong tương lai hơn 200 triệu tấn phân bón hữu cơ. Đến thời điểm này Việt Nam đã có 43 nghìn ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhiều bà con ứng dụng bón phân hữu cơ trong sản xuất”.
Ông Nguyễn Hồng Lam – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm, (hàng đầu, thứ hai từ phải qua) tham dự hội nghị
“Về nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ, chúng ta có nhiều thuận lợi, riêng phế phụ phẩm trong nông nghiệp có khoảng 60-70 triệu tấn/năm, trong thủy sản khoảng 20 triệu tấn, bên cạnh đó chúng ta có phân bùn rất giá trị để sản xuất chế biến phân bón hữu cơ. Đây là những cơ sở hết sức thuận lợi để phát triển sản xuất phân bón hữu cơ. Kể cả yêu cầu trong nước và thế giới, nhu cầu sử dụng sản phẩm nông nghiệp sạch hữu cơ, chúng ta hoàn toàn có đủ nguyên liệu để sản xuất phân hữu cơ, đấy là những điều căn cốt để chúng ta phát triển ngành này”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết: Năm 2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định 108/NĐ-CP về quản lý phân bón, trong đó có cơ chế chính sách khuyến khích phát triển phân bón hữu cơ, trong dự thảo Luật Trồng trọt cũng có một phần quan trọng đề cập đến phân bón hữu cơ.
“Việc tập trung phát triển sử dụng phân bón hữu cơ đang là một xu hướng tất yếu, đã đến lúc phải tập trung và đồng thời đưa nhóm giải pháp ba trục, theo đó từ giải pháp của chính phủ, các giải pháp của doanh nghiệp và các giải pháp khuyến khích người dân sử dụng”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Bàn về vấn đề phát triển phân bón hữu cơ trong thời gian tới, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Bảo vệ thực vật cho rằng: Mục tiêu phát triển phân bón hữu cơ trong thời gian tới nhằm sử dụng tối đa phế phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ nội tiêu; tăng tỷ lệ sản phẩm và tỷ trọng sử dụng phân bón hữu cơ. Đồng thời qua đó xây dựng ngành phân bón với cơ cấu, phân bố hợp lý, phát huy hiệu quả các khu, cụm sản xuất tập trung đáp ứng về cơ bản nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp và hướng tới xuất khẩu đối với một số loại phân bón trên cơ sở đầu tư chiều sâu.
Trong khi đó, sử dụng phân bón hữu cơ ngoài việc cung cấp chất dinh dưỡng còn có tác dụng cải thiện chế độ mùn, điều hoà dung dịch trong đất, cải thiện hệ vi sinh vật đất, giảm rửa trôi, giảm bốc hơi, tăng hiệu suất sử dụng phân bón. Phát triển sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ ngoài việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn có thể khai thác tiềm năng rất lớn về tận dụng phế phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, đồng thời cải thiện môi trường đất.
Chính vì vậy, việc đánh giá đúng thực trạng, và trên cơ sở đó đưa ra những giải pháp căn cơ, chính sách khuyến khích cho sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ hiệu quả tiến đến một nền nông nghiệp sử dụng phân bón hữu cơ an toàn và bền vững nhằm nâng cao giá trị của nông sản, góp phần bảo vệ môi trường là thực sự cần thiết.