CẦN CÓ CHỦ TRƯƠNG PHÁT TRIỂN MẠNH PHÂN BÓN HỮU CƠ VI SINH

Sau đây là toàn văn bài phát biểu của ông Nguyễn Hồng Lam:

Tính đến tháng 12-2017, số lượng sản phẩm phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp đã đăng ký trong Giấy phép sản xuất phân bón là 713 sản phẩm. Về năng lực sản xuất trong nước, hiện nay trên toàn quốc có 180 cơ sở đã được cấp Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ, tổng công suất của các cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ là 2,5 triệu tấn/năm, chiếm 8,5% so với tổng công suất các cơ sở sản xuất phân bón trong nước (29,5 triệu tấn/năm).

Ông Nguyễn Hồng Lam – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm phát biểu tại hội nghị

Tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh phân bón hữu cơ. Hơn 17 năm qua Tập đoàn đã sản xuất và chuyển giao ứng dụng thành công đối với nông dân trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ. Đặt biệc Viện nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học Tập đoàn đã sản xuất được chủng men vi sinh vật để tiêu hủy các chất bã thải trong nông nghiệp thành mùn chất hữu cơ trong đất để bón cho cây trồng đang ứng dụng có hiệu quả cao.

Tuy nhiều năm qua, Tập đoàn Quế Lâm đã sản xuất và cung cấp cho thị trường với hơn 1,5 triệu tấn phân bón, chủ yếu là phân bón hữu cơ vi sinh. Từ 2014 đến nay, Tập đoàn đã đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất phân bón tự động các nhà máy tại TP. Hồ Chí Minh, Long An, Hà Nội và miền Trung để nâng công suất hiện tại của các nhà máy lên 300 nghìn tấn đến 500 nghìn tấn/năm. Tập đoàn thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước đầy đủ. Tỷ lệ vốn hàng năm luôn được bảo toàn và phát triển.

Tập đoàn nhận chuyển giao công nghệ được nhà nước công nhận sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ Quỹ hỗ trợ sáng tạo Việt Nam (VIFOTEC). Đồng thời hàng năm Tập đoàn đầu tư kinh phí lớn để tuyên truyền, quảng bá và xuất bản đặc san Quế Lâm xanh để cung cấp thông tin, khuyến cáo, giới thiệu các mô hình sản xuất bền vững an toàn đến với nông dân khắp mọi miền.

Có thể nói Tập đoàn thành công nhất trong việc ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ cho sản xuất nông nghiệp bền vững. Với tầm nhìn và sứ mệnh là “Xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ, một môi trường trong lành và bền vững”, trong quá trình phát triển, Tập đoàn luôn đặt yếu tố khoa học công nghệ lên hàng đầu để sản xuất các sản phẩm phục vụ nông nghiệp, chú trọng đến công nghệ sinh học cũng như các công nghệ mới có tính thân thiện với môi trường để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn, mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất và tiêu dùng, với sản phẩm chính là các loại phân hữu cơ vi sinh và các loại nông sản hữu cơ đảm bảo theo quy trình sản xuất chuỗi giá trị nông sản hữu cơ Quế Lâm được khép kín hoàn toàn. Hàng loạt sản phẩm nông sản hữu cơ đã cung ứng ra thị trường như rau hữu cơ, trà, cà phê hữu cơ, tiêu, dầu lạc, thanh long, ổi hữu cơ sạch, an toàn.

Khi có chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về xây dựng nền Nông nghiệp Việt Nam hiện đại, sản xuất sạch theo hướng hữu cơ bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, tạo ra nông sản an toàn, Tập đoàn đã thành lập Công ty nông nghiệp Quế Lâm liên kết với các Hợp tác xã, bà con nông dân các tỉnh Miền Trung đầu tư sản xuất lúa gạo hữu cơ mang thương hiệu Quế Lâm. Với diện tích ban đầu chỉ 5-10 ha/ địa phương, đến nay Tập đoàn đã phát triển trên 400 ha lúa hữu cơ. Đồng thời xây dựng một nhà máy chế biến, đóng gói gạo đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra Công ty nông sản hữu cơ với Siêu thị Nông sản tại trung tâm thành phố Huế cùng với Trung tâm ứng dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ chuyên cung cấp các sản phẩm nông sản hữu cơ như gạo hữu cơ, thịt, lạc hữu cơ,… liên kết trên 500 cửa hàng khắp toàn quốc, đặc biệt tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Trung.

Nhằm hướng đến một nền nông nghiệp sạch, an toàn, bền vững, Tập đoàn Quế Lâm đã liên kết sản xuất hai mô hình chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp hữu cơ lúa gạo và thịt lợn thông qua liên kết ngang với các HTX tại tỉnh Thừa Thiên Huế và sau đó là các tỉnh miền Trung khác, các Tập đoàn lớn cùng với nông dân tạo ra chuỗi giá trị cao cho nông sản. Theo đó, Quế Lâm đầu tư, cung ứng chuỗi đầu vào gồm giống, phân bón và thức ăn hữu cơ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật mới, khuyến cáo người nông dân sử dụng đúng quy trình phân hữu cơ, phân khoáng hữu cơ. Về tiêu thụ, Tập đoàn bao tiêu hết sản phẩm đầu ra cho nông dân với giá ổn định và cao hơn thị trường. Ngoài ra Quế Lâm còn liên kết với Tập đoàn Nhật Bản sản xuất nguồn phân bón hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh sử dụng cho sản xuất từ phế thải trong trồng trọt và phế thải trong chăn nuôi. Mô hình liên kết này đã nâng cao thu nhập cho nông dân, được người nông dân, các HTX ủng hộ và sẵn sàng liên kết mở rộng thêm nhiều tỉnh cả về lúa gạo và thịt lợn. Diện tích sản xuất ngày càng được mở rộng, hàng năm thị trường tiêu thụ trên 2100 tấn lúa gạo, hàng chục tấn thịt sạch, rau củ quả an toàn. Sản phẩm hữu cơ có chất lượng cao, ngày càng phát triển bền vững, được người tiêu dùng tín nhiệm. Mô hình chăn nuôi lợn ứng dụng công nghệ men vi sinh trong thức ăn có hiệu quả tốt, đảm bảo chất lượng thịt ngon, sạch và không ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe. Năm 2017, hai mô hình này đã được các cơ quan Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra và cấp chứng nhận chuỗi sản phẩm cung ứng thực phẩm an toàn  theo quy định của Bộ Nông nghiệp. Ngoài ra, Tập đoàn còn triển khai nhiều mô hình trồng lúa, cam chanh, bưởi, rau củ quả, cà phê… với tổng diện tích trên 915 ha, tại Thừa Thiên Huế và các tỉnh Bắc và Nam Trung bộ.

Ông Nguyễn Thanh Vĩnh – TGĐ Tập đoàn Quế Lâm (hàng đầu, bìa phải) tham dự hội nghị

Trong tương lai, Tập đoàn tiếp tục hợp tác với nhiều Tập đoàn và nhiều nhà khoa học ở Nhật Bản.., Viện nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học Tập đoàn sản xuất nhiều chế phẩm vi sinh tại Việt Nam để cung cấp cho các chuỗi trồng trọt, chăn nuôi; sản xuất phân bón bằng công nghệ vi sinh tạo ra vùng nguyên liệu ổn định để người dân tự sản xuất được và cung cấp cho Tập đoàn sản xuất phân bón lâu dài.

Qua thực trạng sản xuất, nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam chúng tôi nhận thấy:

– Do quá trình sản xuất lạm dụng phân bón hóa học, thuốc Bảo vệ thực vật trong nhiều năm làm đất đai bị thoái hóa, ô nhiễm và xu thế càng ngày phải tăng đầu tư, làm cho tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp. Từ đó chất lượng nông sản sản xuất không an toàn, người tiêu dùng không an tâm về sức khỏe.

– Những người làm nông sản sạch, an toàn thực phẩm lại bị hàng nhái, hàng giả. Người tiêu dùng thì sống trong ma trận phân bón hóa học; thuốc BVTV. Đặc biệt là phân bón hữu cơ thông thường, phân bón hữu cơ vi sinh, người tiêu dùng không thể phân biệt được.

– Đảng và Nhà nước có chủ trương đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhưng hiện nay đi vào thực tiễn chưa mạnh mẽ, tư tưởng người nông dân còn ỷ lại. Chưa có chủ trương cụ thể để hạn chế thuốc BVTV, phân bón vô cơ.

Chúng tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT một số ý kiến như sau:

+Về Quản lý nhà nước:

– Tập trung đầu mối ổn định về quản lý phân bón, đặt biệt ngành phân bón hữu cơ vi sinh; quan tâm mạnh về đổi mới đầu tư công nghệ, đầu tư cơ sở hạ tầng.Tập trung đầu mối ổn định, tránh sản xuất tràn lan, có sự kiểm tra của cơ quan nhà nước.

– Tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân bằng dưới nhiều hình thức tập huấn, tài liệu, tạp chí, tờ rơi, Poster… Hội nghị và hội thảo; bằng mô hình hữu cơ cụ thể được Bộ chỉ đạo và giới thiệu.

– Bộ NN&PTNT cần có chương trình đầu tư trọng điểm về các loại cây trồng, vùng nguyên liệu hàng hóa lớn để có nghiên cứu cụ thể việc tác động bón phân cân đối và nông sản an toàn. Đồng thời cần có chủ trương phát triển mạnh mẽ phân bón hữu cơ vi sinh; đưa các chế phẩm vi sinh chuẩn mực để sử dụng không gây ô nhiễm môi trường, khẳng định tầm quan trọng và ích của việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, sản xuất an toàn hiệu quả và bền vững;

– Đề nghị Bộ NN&PTNT ban hành sớm hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, chế biến, chứng nhận chất lượng, thanh tra, giám sát liên quan đến nông nghiệp hữu cơ, quy trình chuẩn để các đơn vị sản xuất nông sản hữu cơ dễ tiếp cận và công bố chất lượng cho sản xuất và người tiêu dùng. Trong đó có bộ chứng nhận organic.

+Về chính sách:

Cần ban hành nhiều chính sách đồng bộ để đẩy mạnh, mở đường, kiến tạo phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nhất là chính sách mạnh mẽ thúc đẩy về thị trường tiêu thụ. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá thị trường, bảo hiểm rủi ro trong một thời gian nhất định Hổ trợ các chương trình trọng điểm bằng các chính sách hữu cơ vi sinh đến cho các cá nhân, doanh nghiệp, hổ trợ lãi suất vốn vay dài hạn trong sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận ứng dụng KHCN nhất là công nghệ cao trong sản xuất phục vụ nông nghiệp và các chính sách khác được tiếp cận nhanh và đầy đủ, kịp thời, ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Có chính sách đủ mạnh để hạn chế sử dụng phân bón không cân đối, đặt biệt là sử dụng phân bón hữu cơ, đảm bảo tiêu chí về môi trường và ATTP trong bộ tiêu chí quốc gia về Nông thôn mới 2016-2020 ở các địa phương trong chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới.

+ Về lĩnh vực khoa học và công nghệ:

Có nghiên cứu về điều kiện đất, nước, nhất là những vùng trọng điểm về sản xuất hàng hóa để có khuyến cáo cụ thể cho người dân sử dụng phân bón hiệu quả tiết kiệm tránh lãng phí cho từng vùng, từng địa phương. Từ đó khuyến cáo nông dân sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh có cơ sở.

Do hiệu quả phân hữu cơ vi sinh và chế phẩm sinh học của Tập đoàn Quế Lâm được ứng dụng trong sản xuất nhiều năm có hiệu quả, nên Tập đoàn Quế lâm đã đứng vững và phát triển được theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên trước sự phát triển nhanh và mạnh của thị trường phân bón trong và ngoài nước, đề nghị Bộ tạo điều kiện giới thiệu và cho Doanh nghiệp tiếp cận đến các Viện, trung tâm nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học, các Tập đoàn kinh tế thế giới, đặc biệt công nghệ sinh học của các nước phát triển để liên kết tiếp cận công nghệ mới, các chế phẩm vi sinh, phân bón, xử lý các phế thải chế biến trong nông lâm thủy sản để đáp ứng nhu cầu hiện nay cho sản xuất hữu cơ.

Trong quá trình đầu tư cho sản xuất hữu cơ, đề nghị Bộ hỗ trợ một phần vốn đầu vào cho nông dân, công nghệ bảo quản nông sản và xây dựng kho lạnh; xây dựng thương hiệu, tuyên truyền quảng bá nhất là chứng nhận nông sản đảm bảo chất lượng để cung cấp cho người tiêu dùng bằng chương trình hợp tác công tư (TPP) trong thời gian tới. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực thương mại về nông nghiệp hữu cơ, trong đó có việc nâng cao vai trò của Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam trong liên kết doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ cho nông dân thì chương trình nông nghiệp hữu cơ của Đảng và Nhà nước đưa ra sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống mạnh mẽ.

Ông Nguyễn Hồng Lam ( thứ ba từ trái qua) chụp ảnh cùng Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tại hội nghị